Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023

Thứ Tư, 30/11/2022 17:18 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bộ Tài chính vừa có hướng dẫn, định hướng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng định hướng, chỉ đạo không dàn trải; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra hợp lý, hiệu quả.

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Cụ thể, đối với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính yêu cầu phải tăng cường quản lý chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách gây thất thoát tiền của ngân sách nhà nước; thanh tra hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp có hoàn thuế lớn, các doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, AI để đối chiếu, kiểm tra, quản lý việc sử dụng hóa đơn;... thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính yêu cầu tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có dư địa thu lớn hoặc có rủi ro cao như: dầu khí; xăng dầu; điện lực; viễn thông; ngân hàng; bảo hiểm; chứng khoán; cho thuê tài chính; dược phẩm; bất động sản; hạ tầng; khu công nghiệp; công ty xổ số kiến thiết; kinh doanh dịch vụ cảng; xây dựng; sản xuất, kinh doanh nguyên vật liệu xây dựng; doanh nghiệp khai thác kinh doanh cát, sỏi lòng sông; khai thác vàng; sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng; kinh doanh bán lẻ; sản xuất, kinh doanh phân bón; sản xuất kinh doanh sản phẩm từ nhựa; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; truyền thông quảng cáo; thương mại điện tử; Sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy trong nước; các tập đoàn, tổng công ty, công ty có phát sinh số thu nộp thuế lớn; các doanh nghiệp quy mô lớn nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra; các doanh nghiệp phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án, chia tách, sáp nhập; các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chuyển giá, kết quả hoạt động kinh doanh lỗ nhiều năm; các doanh nghiệp có rủi ro cao về hoá đơn; các doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế và các doanh nghiệp có nguồn thông tin rủi ro từ cơ quan Hải quan chuyển sang; các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế theo các luật thuế và hiệp định.

Đối với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính yêu cầu xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế đối với doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế đối với doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu với các mặt hàng trọng tâm gồm: mặt hàng nhập khẩu có thuế suất cao, kim ngạch lớn, trong đó chú trọng các mặt hàng có khả năng gian lận về mã số, trị giá, quản lý chính sách mặt hàng, có ảnh hưởng tới sức khỏe con người (như: linh kiện điện tử, sắt thép, gỗ, các mặt hàng tiêu dung, thiết bị y tế, thuốc tân dược, gạch đá dùng trong xây dựng, rượu bia, ô tô, máy móc…); có dấu hiệu gian lận về nguồn gốc xuất xứ: máy móc, nguyên vật liệu…; có dấu hiệu gian lận về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm như: phế liệu, đồ điện tử tiêu dùng, đồ uống, thực phẩm đông lạnh…; mặt hàng xuất khẩu có dấu hiệu gian lận về trị giá, thuế suất và chính sách quản lý nhà nước như: khoáng sản, sản phẩm có nguồn gốc từ khoáng sản…

Thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: nhập khẩu hàng hóa được miễn thuế theo loại hình ưu đãi đầu tư, doanh nghiệp chế xuất nhập khẩu máy móc, thiết bị từ nước ngoài; xuất khẩu khoáng sản và các sản phẩm có nguồn gốc từ khoáng sản có dấu hiệu gian lận về mã số, trị giá và quản lý chính sách, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa có xin hoàn thuế lớn, tăng đột biến.
Riêng đối với chuyên đề về kiểm tra sau thông quan, tập trung thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với các trường hợp: hồ sơ thuế hải quan quá thời hạn kiểm tra sau thông quan; các trường hợp đã kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan nhưng phát hiện có thông tin mới hoặc có vụ việc có tính chất phức tạp hoặc có dấu hiệu vi phạm khác; thực hiện kiểm tra chuyên đề xuất xứ hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ, Ấn Độ; chuyên đề phế liệu; chuyên đề máy móc đã qua sử dụng; chuyên đề thuốc tân dược; chuyên đề lốp ô tô rơ moóc; chuyên đề kính ô tô; chuyên đề mặt hàng hai thuế suất; kiểm tra sau thông quan đối với tờ khai thuộc luồng xanh; kiểm tra các doanh nghiệp trọng điểm.

Đối với Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính yêu cầu kiểm tra công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (kiểm soát chi thường xuyên, chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi chương trình mục tiêu, chuyển nguồn,…); kiểm tra việc giải ngân vốn nước ngoài đã thực hiện từ năm 2019 trở về trước nhưng chưa được hạch toán vào ngân sách nhà nước tại các bộ, địa phương.

Kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng nội ngành: quản lý và sử dụng kinh phí của Kho bạc Nhà nước, trong đó tập trung công tác kiểm tra về công tác xây dựng, phân bổ và giao dự toán; tình hình trích lập, quản lý và sử dụng kinh phí tăng thu, tiết kiệm chi; công tác mua sắm, sửa chữa và quản lý tài sản; công tác đầu tư xây dựng nội ngành.

Kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong việc tổ chức triển khai việc chấp hành các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.

Thanh tra chuyên ngành tập trung vào các dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn chương trình mục tiêu quốc gia; các khoản chi thường xuyên.

Đối với Tổng cục Dự trữ Nhà nước, về công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành, Bộ Tài chính yêu cầu thanh tra các bộ, ngành được phân công quản lý hàng dự trữ quốc gia; doanh nghiệp được thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia; các tỉnh tiếp nhận, phân phối, sử dụng hàng dự trữ quốc gia cứu trợ, hỗ trợ việc chấp hành pháp luật về dự trữ quốc gia; công tác quản lý, sử dụng kinh phí nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia tại đơn vị được giao quản lý hàng dự trữ quốc gia có số lượng tồn kho và thực hiện kế hoạch mua, bán, nhập, xuất số lượng lớn; công tác quản lý, tiếp nhận phân phối, bảo quản và sử dụng hàng dự trữ quốc gia sau khi xuất cấp.

Đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu gian lận, lừa đảo, tạo dựng thông tin sai sự thật, công bố thiếu thông tin cần thiết, thông đồng tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán, phát hành trái phiếu số lượng lớn, không có tài sản đảm bảo, sử dụng vốn sai mục đích... làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán, phát hành, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán và thị trường chứng khoán. Cũng theo nội dung nêu tại Công văn số 10039/BTC-TTr của Bộ Tài chính, lĩnh vực Chứng khoán cần tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra các đối tượng chưa được thanh tra, kiểm tra trong 3 năm 2020, 2021, 2022.

Ngoài ra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng phải thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó tập trung một số vấn đề: khả năng thanh toán của doanh nghiệp; việc trích lập dự phòng nghiệp vụ; tái bảo hiểm; chi trả quyền lợi bảo hiểm; quản lý công nợ; tách quỹ và phân chia thặng dư; hoạt động đầu tư; chấp hành quy tắc, điều khoản biểu phí bảo hiểm, hoạt động đại lý; hoạt động môi giới bảo hiểm và hoạt động phụ trợ bảo hiểm; thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các Doanh nghiệp bảo hiểm để xử lý điểm, xử lý nghiêm các vi phạm, sai phạm (nếu có).

Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch và phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra đảm bảo bám sát định hướng, chú ý có sự phối hợp giữa các tổ chức thanh tra trong ngành Tài chính và các cơ quan hữu quan, tránh chồng chéo, trùng lắp.

M.P

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN