Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Thứ Ba, 29/11/2022 13:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Tại Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, các tham luận tiếp cận vấn đề hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là khẳng định cần sớm có quan điểm chung, thống nhất về các hệ giá trị Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kỳ mới.

Sau nội dung khai mạc, Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” diễn ra phiên thảo luận thứ nhất do GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, điều hành với chủ đề “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

 Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. 

Chuẩn mực con người là chuẩn mực xã hội

Tham luận tại phiên thảo luận, GS.TS Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội khẳng định: Xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị quốc gia. Về thực chất, đó là sự tìm kiếm một tổng thể các giá trị tin cậy với chuẩn mực lý tưởng về con người, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng con người và toàn xã hội phát triển lành mạnh, phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực và tinh hoa văn hoá, văn minh nhân loại, thực hiện thành công mục tiêu kỳ vọng mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra là, phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Theo GS.TS Hồ Sĩ Quý, chuẩn mực con người, thực chất là chuẩn mực xã hội. Ngay cả trường hợp những cá nhân tự xác định chuẩn mực cho riêng mình, chỉ mình anh ta thực hiện, không cần đến sự can thiệp của người khác, của cộng đồng, thì trên thực tế, những chuẩn mực mà anh ta tự xác định cũng vẫn là chuẩn mực xã hội - chuẩn mực theo những quan niệm xã hội nào đó, mà anh ta thu nhận từ cộng đồng và tự áp dụng cho mình. Với những trường hợp này, cơ chế kiểm tra, đánh giá thường rất nghiêm ngặt, tưởng như chỉ có ý nghĩa cá nhân, nhưng thực tế vẫn là theo những nguyên tắc, quy tắc, luật lệ... xã hội.

Hiện nay, nhiều hành vi và hiện tượng xã hội ở Việt Nam đang bị coi là lệch chuẩn, không chỉ chuẩn đạo đức, mà còn cả về chuẩn pháp lý. “Chính vì thế vấn đề xây dựng chuẩn mực con người được đặt ra một cách cấp thiết. Kỳ vọng được giả định là nếu xã hội có những hệ chuẩn mực hợp lý, đúng đẳn, sáng suốt, phù hợp với mục tiêu của tiến bộ xã hội... thì hành vi và hoạt động của con người sẽ có căn cứ để điều chỉnh và tự điều chỉnh, xã hội sẽ bớt đi những hiện tượng lệch chuẩn” - GS.TS Hồ Sĩ Quý nhấn mạnh.

GS.TS Hồ Sĩ Quý khẳng định: Xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị quốc gia.  

Đồng quan điểm này, TS. Hồ Bá Thâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chính các chuẩn mực sẽ điều chỉnh ý thức và hành vi của con người và qua quá trình thực hiện các chuẩn mực thì giá trị con người được củng cố bền vững hơn.

Để thực hiện hệ chuẩn mực con người hiện nay, theo TS Hồ Bá Thâm cần thực hiện các chuẩn mực cụ thể:

Một là, trong quá trình cụ thể hóa thành hệ chuẩn mực con người Việt Nam thì cái gì đưa vào luật được thì đưa, còn nếu không thì để dưới dạng qui ước cộng đồng mang tính vận động của các đoàn thể, giai tầng, tổ chức quy định gắn với các chuẩn mực về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, khu dân cư, đơn vị công tác...

Hai là, tuyên truyền sâu rộng hệ chuẩn mực con người Việt Nam nói chung để từ đó các đơn vị, cá nhân biết, cụ thể hóa, áp dụng, thực hiện cho phù hợp từng nơi, từng thời kỳ.

Ba là, việc thực hiện hệ chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay cần gắn với hệ chuẩn mực gia đình văn minh, đời sống văn hóa ở cơ sở, đơn vị, xóm ấp, tổ, khu phố văn minh...

Bốn là, thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải làm gương thực hiện hệ chuẩn mực con người Việt Nam cụ thể ở nơi sinh sống, công tác, học tập, lao động sản xuất.

Năm là, cần nêu gương người tốt việc tốt, người tử tế, việc làm tử tế, phê bình, phê phán những ý thức và hành vi không thực hiện hoặc thực hiện lệch chuẩn, sai chuẩn...

Sáu là, cần lồng ghép vào quá trình xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở cả về nội dung và tổ chức bộ máy, chỉ đạo theo dõi, kiểm tra, sơ tổng kết...

Bảy là, cần quy định đánh giá hằng năm, 5 năm/lần và xem cần bổ sung chỉnh lý gì không, việc thực hiện thế nào để rút kinh nghiệm.

Văn hóa gia đình là cốt lõi của văn hóa Việt Nam

Cùng với vấn đề xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam, nhiều tham luận tại Hội thảo cũng đề cập tới vấn đề xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới. Theo PGS.TS Đặng Thị Hoa, Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, văn hóa gia đình là một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam, là nơi khởi nguồn sinh ra và nuôi dưỡng con người trưởng thành. Xây dựng, phát triển nền văn hóa dựa trên các giá trị gia đình được coi là giá trị nội sinh, có ý nghĩa tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình. Trong văn hóa gia đình Việt Nam, các yếu tố văn hóa mới, các yếu tố văn minh, hiện đại tác động đến gia đình, làm thay đổi nếp sống, thói quen mang ý nghĩa tích cực hơn, đồng thời cũng làm giảm đi đáng kể những giá trị được coi là bảo thủ, truyền thống và trì trệ.

PGS.TS Đặng Thị Hoa nhận định, trước những hỗn dung về văn hóa xâm nhập vào mỗi gia đình Việt Nam, việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống cần được coi trọng với những thuần phong, mỹ tục của gia đình.

PGS.TS Đặng Thị Hoa cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị gia đình đã và đang biến đổi. Trước hết là các biến đổi giá trị trong hôn nhân, giá trị trong các mối quan hệ của gia đình, giá trị nội tâm và tâm linh, tín ngưỡng... Đồng thời, gia đình Việt Nam cũng đang tiếp nhận những giá trị mới. Trong các giá trị mới, giá trị vay mượn, có những yếu tố sáng tạo để tạo ra các giá trị mới như việc mở rộng không gian giao tiếp của gia đình dựa vào các công nghệ, thiết bị hiện đại. Việc mở rộng các ngôn ngữ giao tiếp cũng làm mới hơn các mối quan hệ trong gia đình. Bên cạnh duy trì các nghi lễ mang tính lễ giáo truyền thống, các thể thức nghi lễ mới cũng xuất hiện làm phong phú hơn đời sống của gia đình, lan tỏa hơn các giá trị sống trong thời kỳ hiện đại. Mặc dù vậy, các giá trị truyền thống của gia đình vẫn luôn được gìn giữ, làm đa dạng hơn bản sắc đa văn hóa của gia đình Việt Nam.

PGS.TS Đặng Thị Hoa nhận định, trước những hỗn dung về văn hóa xâm nhập vào mỗi gia đình Việt Nam, việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống cần được coi trọng với những thuần phong, mỹ tục của gia đình. Cách đối xử trọng già, thương trẻ; anh em hòa thuận, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; cách thức coi trọng chữ hiếu trong gia đình, nuôi dưỡng đức tính hiếu thuận và nhân nghĩa của con trẻ đã làm cho gia đình Việt Nam có tính bền vững và trường tồn. Bên cạnh đó, việc phát huy, tiếp nhận các giá trị mới của gia đình trong cuộc sống hiện đại cũng làm cho gia đình có đủ sức mạnh lan tỏa các giá trị yêu thương, chăm sóc không phụ thuộc vào thời gian, khoảng cách địa lý và khoảng cách về thế hệ. “Việc phát huy những yếu tố tích cực trong các giá trị gia đình truyền thống và tiếp thu những giá trị mới làm phong phú thêm hệ giá trị gia đình Việt Nam, tăng thêm tính cố kết trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng làng xã. Điều đó cũng khẳng định tính linh hoạt và thích ứng của văn hóa gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới - công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” - PGS.TS Đặng Thị Hoa chia sẻ.

Từ một góc nhìn khác, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ chia sẻ: Thừa Thiên Huế là vùng đất hiện đang giữ gìn được hệ giá trị văn hoá tốt đẹp của gia đình truyền thống trong đời sống gia đình và xã hội. Những giá trị này đang từng ngày được bảo tồn và phát huy cùng với các giá trị văn hoá gia đình hiện đại. Trong dòng chảy chủ lưu yêu nước của văn hoá dân tộc, việc bảo tồn nề nếp, gia phong Huế trên nền tảng của văn hóa Việt Nam lấy những giá trị chuẩn mực như: lễ giáo, hiếu học, trọng tình nghĩa, sống nhân ái, tinh thần tự tôn, tự lực... làm cái gốc để hình thành và phát triển gia đình hiện đại.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, nếu như ở gia đình Huế thời trước, người ta thường đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối của con cái đối với cha mẹ, đề cao sự tôn kính tổ tiên, hiếu thảo với cha mẹ, thuỷ chung giữa vợ chồng, hướng về cội nguồn quá khứ, thì trong các gia đình ngày nay lại có xu hướng vươn tới cái mới, cái luôn thay đổi, đề cao lợi ích, hạnh phúc, nguyện vọng và tính độc lập của mỗi cá nhân, vợ chồng lấy tình yêu làm cơ sở, dân chủ bàn bạc trong mọi việc, tôn trọng ý kiến con cái. Có thể nhìn nhận mối quan hệ bình đẳng giữa vợ và chồng trong gia đình hiện nay đang trở thành một nét tiêu biểu của văn hóa gia đình mới: bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, yêu thương đùm bọc nhau, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm với gia đình, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển.

Sự “gạn đục, khơi trong” về các giá trị chuẩn mực văn hóa gia đình đang là xu hướng tích cực. Gia đình hiện đại ngày càng phát triển trên nền tảng gia đình truyền thống vẫn được xem là cơ bản và vững chắc ở Huế. Những ngôi làng cổ vẫn còn nguyên vẹn, những mái nhà của cha ông vẫn được trùng tu, bảo tồn bên cạnh những ngôi nhà hiện đại cao tầng của con cháu. Nó như một vật chứng giáo dục về gìn giữ gia phong, lễ giáo và truyền thống tốt đẹp của gia đình. Và trong mỗi gia đình hiện tại, họ luôn ý thức thực hiện tốt phong trào “ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa... đã lồng ghép giữ gìn những giá trị, chuẩn mực tốt đẹp của văn hóa gia đình.

Trước sự tác động rất mạnh mẽ của mặt trái nền kinh tế thị trường, rất nhiều giá trị bị đảo lộn, trong đó có gia đình, thì ở Thừa Thiên Huế, thuần phong mỹ tục tốt đẹp vẫn được gìn giữ, phát huy và gia đình Huế ít chịu ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái ấy. Đó chính là sức mạnh của truyền thống văn hóa gia đình Huế được lưu truyền từ đời này sang đời khác, khá khắt khe, mang trọng trách như một “sức mạnh nội sinh” để gia đình Huế chống lại những tiêu cực, những ảnh hưởng từ bên ngoài.

“Xây dựng các giá trị, đức tính tốt đẹp của lối sống Huế, phong cách ứng xử của gia đình Huế: cần cù, lao động sáng tạo, tôn trọng nghĩa tình, kính trên nhường dưới, lấy đức làm trọng, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài... Đó cũng là nền móng, là bước đầu tiên trong xây dựng hệ giá trị gia đình văn hóa Việt Nam, với những chuẩn mực mới phù hợp với thời kỳ hội nhập và phát triển” – ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Hữu Minh phát biểu tại Hội thảo. 

Để đạt được mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn tới, GS.TS Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cho rằng, cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội nói chung, từ đó chú ý một cách toàn diện khía cạnh gia đình trong các chính sách kinh tế - xã hội. Các chính sách kinh tế - xã hội cần phải tính tới những tác động đối với đời sống gia đình nói chung.

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tạo thuận lợi cho người vợ và người chồng có cơ hội ngang nhau tham gia vào các hoạt động kinh tế và có vai trò bình đẳng trong các quyết định gia đình. Quan tâm hơn đến các mối quan hệ tâm lý - tình cảm của vợ chồng, đặc biệt trong bối cảnh của tình trạng phân ly gia đình hiện nay.

Quan tâm củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống. Tăng cường giáo dục, tạo dựng quan niệm bình đẳng giữa con trai và con gái trong trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già. Có các hình thức thích hợp nâng cao kiến thức và kỹ năng của cha mẹ trong việc giáo dục con cái nhằm hạn chế, tiến tới xóa bỏ các hành vi bạo lực của cha mẹ đối với trẻ em.

Đồng thời, xã hội cần chuẩn bị tốt cho hệ thống an sinh xã hội công và phát huy vai trò của cộng đồng để phục vụ nhu cầu chăm sóc trẻ em và người cao tuổi; tạo điều kiện cho các dịch vụ tư nhân tham gia vào việc chăm sóc trẻ em và hỗ trợ người cao tuổi.

Cần thiết phải có những giải pháp triệt để hơn nhằm thay đổi nhận thức xã hội về bạo lực gia đình, tăng cường công tác bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân...

GS.TS Nguyễn Hữu Minh nhấn mạnh, các gia đình cần giáo dục và phát huy mối quan hệ trợ giúp lẫn nhau trong quan hệ anh chị em ruột để khắc phục những vấn đề phát sinh trong cuộc sống gia đình, đặc biệt là trong việc hỗ trợ giải quyết bất hòa trong gia đình riêng. Việc các cấp chính quyền, đoàn thể ở mỗi địa phương có những hình thức sinh hoạt câu lạc bộ gia đình, đưa chủ đề củng cố mối hệ quan hệ anh chị em ruột vào trao đổi là cần thiết.

Cùng với đó, tiến hành các nghiên cứu về gia đình ở quy mô lớn để nắm được thường xuyên sự vận động và biến đổi của gia đình cũng như tác động của gia đình đối với sự phát triển xã hội. Có cơ chế bảo đảm tiến hành các nghiên cứu khoa học xã hội một cách hệ thống trước khi hoạch định chính sách kinh tế - xã hội.

Đồng thời, cần xây dựng hệ tiêu chí thống nhất và cụ thể hoá các mục tiêu xây dựng gia đình của Đảng, tạo thuận lợi cho quá trình tuyên truyền và triển khai thực tế các kế hoạch hành động xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ.

Sau khi kết thúc tham luận, các đại biểu tham gia tọa đàm bàn tròn. Đây là dịp để các nhà nghiên cứu lắng nghe thêm ý kiến của đại diện các cơ quan quản lý, nghiên cứu lý luận đầu ngành, lãnh đạo các địa phương, để có thêm cơ sở đầy đủ, toàn diện trong thảo luận nội dung.

Tại tọa đàm bàn tròn, các đại biểu khẳng định việc xác định hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong thời kỳ mới.  Đồng thời các đại biểu cũng đưa ra những giải pháp để đưa hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới thật sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng.

Trong buổi chiều ngày hôm nay, các đại biểu tiến hành Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, dưới sự chủ trì và điều hành của GS.TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Nhóm phóng viên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN