Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam trong sạch, vững mạnh

Chủ Nhật, 26/12/2021 14:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Cùng với các chương trình, hoạt động, sáng 26/12, Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III đã vinh dự đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự và có bài phát biểu quan trọng tại Đại hội.

Cách đây sau 76 năm, ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46 về tổ chức đoàn thể luật sư, mở ra một thời kỳ mới trong việc thực hiện quyền bào chữa và nghề luật sư của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Một năm sau, Quốc hội nước ta đã thông qua Hiến pháp 1946 – Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta, trong đó, Điều 67 quy định: “Các phiên tòa án đều phải công khai, trừ những trường hợp đặc biệt. Người bị cáo được quyền tự bào chữa hoặc mượn luật sư”. Các bản Hiến pháp về sau của nước ta cũng đều quy định quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. Những nguyên tắc Hiến định đó đã tạo cơ sở, điều kiện thuận lợi cho đội ngũ luật sư Việt Nam không ngừng lớn mạnh cùng với sự phát triển của đất nước trong những năm qua.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mỗi kỳ Đại hội luật sư toàn quốc là một dịp để chúng ta cùng ôn lại lịch sử truyền thống vẻ vang của luật sư Việt Nam; trong đó có những luật sư tiêu biểu – những trí thức yêu nước, đầy nhiệt huyết cách mạng như luật sư Phan Anh, luật sư Vũ Trọng Khánh, luật sư Trần Công Tường, luật sư Nguyễn Văn Hưởng, luật sư Nguyễn Hữu Thọ và nhiều luật sư khác đã đoàn kết, quy tụ dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tận tụy phấn đấu vì công lý, công bằng cho mọi người dân, sẵn sàng dấn thân vào con đường gian khổ, cứu dân, cứu nước, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

 Cho rằng, Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ III là một sự kiện quan trọng, tiếp tục khẳng định sự phát triển lớn mạnh không ngừng về tổ chức và hoạt động của luật sư Việt Nam trong những năm qua, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những đóng góp to lớn của giới luật sư Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà Đoàn Chủ tịch

Liên đoàn luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, sự trưởng thành, lớn mạnh của Liên đoàn luật sư Việt Nam trong 2 nhiệm kỳ qua đã cho thấy Liên đoàn ngày càng  thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đoàn luật sư, các luật sư trong cả nước; tập hợp và tổ chức, động viên luật sư tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; phổ biến, tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng chống các vi phạm; góp phần củng cố và tăng cường pháp chế trong mọi lĩnh vực quản lý Nhà nước và hoạt động xã hội. Liên đoàn luật sư Việt Nam đã trở thành cầu nối quan trọng giữa Nhà nước, cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp với giới luật sư Việt Nam, góp phần đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.

 Tuy nhiên, theo đánh giá của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nghề luật sư ở nước ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ. Tỷ lệ luật sư trên số dân ở nước ta vẫn ở mức thấp so với các nước phát triển trên thế giới. Chất lượng hành nghề luật sư chưa đáp ứng được đòi hỏi của hoạt động tranh tụng và yêu cầu dịch vụ tư vấn pháp luật trong nước và quốc tế. Phẩm chất chính trị, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của một bộ phận nhỏ luật sư chưa cao, chưa chuyên nghiệp. Một số luật sư chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về trách nhiệm chính trị, pháp lý, trách nhiệm xã hội cao quý của nghề luật sư, chưa gương mẫu chấp hành pháp luật về hành nghề luật sư, thậm chí có biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, nhận thức chính trị, có hành vi tiêu cực, chạy án, vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự. Điều đó đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của nghề luật sư vốn rất đáng trân trọng trong xã hội.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Đại hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao chủ đề của Đại hội lần này là: “Đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương, quyết tâm xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Để thực hiện thành công chủ đề này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gợi mở thêm một số vấn đề để Đại hội cùng thảo luận, thống nhất.

 Trước hết, hơn bao giờ hết, luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động. Luật sư có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, đồng thời bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước.

 Bên cạnh đó, theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, để bảo vệ danh tiếng uy tín nghề nghiệp, mỗi luật sư cần phải tự giác, gương mẫu tuân thủ pháp luật, đồng thời phải thực hiện trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của mình thông qua việc tích cực tham gia tố tụng theo tinh thần cải cách tư pháp, thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật và các hoạt động xã hội khác. Do đó, bản thân mỗi luật sư cần tự ý thức và hành động nỗ lực hết mình để không ngừng học hỏi, trau dồi đạo đức, bản lĩnh, lương tâm nghề nghiệp, hoàn thiện kiến thức, ngoại ngữ, kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng nghề nghiệp…

 Về trách nhiệm của Liên đoàn luật sư Việt Nam để quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư vũng vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ ngang tầm với các luật sư trong khu vực và trên thế giới, góp phần xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, tôn trọng và bảo vệ lợi ích hợp pháo của Nhà nước, quốc gia, dân tộc; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Liên đoàn cần đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ và hiệu quả các quy định của Luật Luật sư năm 2021, đặc biệt thực hiện thật tốt 19 nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 65 của Luật.

 Cùng với đó, Liên đoàn cần chú trọng công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là kỹ năng tranh tụng và tư vấn pháp luật cho đội ngũ luật sư đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta… Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư, kịp thời phát hiện, uốn nắn những sai sót của luật sư; kiên quyết xử lý các luật sư vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp …

 Đánh giá việc chăm lo xây dựng đội ngũ luật sư, phát triển cả về số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động không chỉ là trách nhiệm của mỗi luật sư và tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây còn chính là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc đổi mới về thể chế, tổ chức, hoạt động của luật sư. Nghị quyết số 49 ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị xác định “Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn” đáp ứng sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 33 ngày 30/3/2009 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư. Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa nhiều chủ trương lớn của Đảng, trong đó có việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân liên quan trực tiếp tới hoạt động hành nghề luật sư. Lần đầu tiên, nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử của Tòa án được ghi nhận trong Hiến pháp.

 Cũng theo Chủ tịch nước, Luật Luật sư năm 2012 đã tạo khuôn khổ pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho hoạt động của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, phát huy vai trò tự quản của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư; nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến luật sư và hành nghề luật sư đã được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Luật Tố tụng hành chính năm 2015… đã tăng cường vào bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử; tạo điều kiện cho luật sư hành nghề thuận lợi, góp phần nâng cao quyền hạn, trách nhiệm và vị thế của luật sư.

 Ghi nhận các kiến nghị của Liên đoàn luật sư Việt Nam, các ý kiến các đại biểu, Chủ tịch nước sẽ chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu giải quyết, tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Liên đoàn luật sư Việt Nam, luật sư và các đoàn luật sư.

Trước đó, chiều 25/12, các đại biểu tham dự Đại hội đã tiến hành bầu Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III. LS.TS Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ II tiếp tục giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III. 5 Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III, gồm các luật sư: Phan Trung Hoài; Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Lưu Tiến Dũng, Nguyễn Hải Nam, Đào Ngọc Chuyền.

 Tại phiên bế mạc ngày hôm nay (26/12), đại biểu dự Đại hội cũng đã tiến hành biểu quyết, thông qua báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ II và phương hướng công tác nhiệm kỳ III; báo cáo công tác tài chính nhiệm kỳ II và phương hướng công tác tài chính nhiệm kỳ III; báo cáo kiểm điểm của Hội đồng luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ và Thường trực Liên đoàn nhiệm kỳ II; dự thảo điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam (sửa đổi); nghị quyết Đại hội… cũng như ra mắt Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ Liên đoàn, Thường trực Liên đoàn nhiệm kỳ III./.

Tin, ảnh: Trường Quân

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN