Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng Điện Biên trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững

Thứ Sáu, 28/06/2024 14:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ tỉnh là vấn đề có tính nguyên tắc chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, quyết định đến thành công của công cuộc xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh và bền vững.

Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên 

Đó là khẳng định của đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân kỷ niệm 115 năm hình thành và phát triển tỉnh Điện Biên (28/6/1909 - 28/6/2024).

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Trần Quốc Cường, 115 năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương và sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu khẳng định vị thế và tầm quan trọng chiến lược đối với khu vực và cả nước. Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật của tỉnh Điện Biên đạt được trong thời gian qua?

Đồng chí Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên: Cách đây 115 năm, ngày 28/6/1909, tỉnh Lai Châu được thành lập, hình thành các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Trải qua các giai đoạn lịch sử, Nhân dân các dân tộc Lai Châu (nay là hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên) đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi quê hương, đất nước.

Đầu thế kỷ XX, sau một thời gian dài dưới sự cai trị của thực dân Pháp và bọn tay sai, phong kiến, lớp lớp nhân dân các dân tộc Điện Biên - Tây Bắc theo tiếng gọi của Đảng đã đứng lên đấu tranh, bảo vệ bản Mường. Sau Cách mạng Tháng 8/1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa, đỉnh cao là thiết lập Tập đoàn cứ điểm của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ hòng án ngữ, ngăn chặn hành động của bộ đội ta tại địa điểm chiến lược khu vực ngã ba Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Trước tình hình đó, ngày 10/10/1949, Ban Thường vụ Liên Khu ủy 10 quyết định thành lập Ban cán sự Đảng Lai Châu, là tổ chức tiền thân của Đảng bộ tỉnh Điện Biên và Lai Châu ngày nay. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tư lệnh chiến trường, đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", đập tan tập đoàn cứ điểm hùng mạnh nhất của thực dân Pháp tại bán đảo Đông Dương.

Sau giải phóng Điện Biên Phủ (07/5/1954), giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1975, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống Nhân dân, bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội; từ năm 1963 - 1969, xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh, cánh đồng rộng lớn nhất khu vực Tây Bắc Tổ quốc; xây dựng hợp tác xã, phát triển nông trường quốc doanh, các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Phong Thổ xây dựng trường phổ thông cấp III; hầu hết các xã có trạm y tế; văn hóa, giáo dục từng bước phát triển.

Giai đoạn 1976 - 2003: Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu (Điện Biên ngày nay) tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đồng sức, đồng lòng, phấn đấu vượt qua gian khổ, khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội: Tổng sản lượng lương thực năm 1985 tăng 61,15%, công nghiệp tăng 44% so với năm 1975; phong trào học phổ thông, bổ túc văn hóa, nông nghiệp, kỹ thuật có bước chuyển biến khá; đầu tư xây dựng mới 03 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 trung tâm y tế huyện, thị; 100% xã, phường có trạm y tế.

Giai đoạn 2004 đến nay: Sau 20 năm chia tách, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh cố gắng, nỗ lực tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng:

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân, giai đoạn 2005 - 2010, đạt 11,6%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 10,7 triệu đồng/năm (tương đương 563 USD/người/năm); giai đoạn 2010 - 2015, GRDP bình quân tăng 9,11%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 23,6 triệu đồng (tương đương 1.130 USD), gấp 1,89 lần so với năm 2010; GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,30%/năm; GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 9,33%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp. Tổng sản lượng lương thực năm 2023 đạt 285 nghìn tấn, tăng 1,68 lần so với năm 2004. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.640 tỷ đồng, tăng hơn 17,4 lần so với năm 2004, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 48,6 triệu đồng, tăng hơn 12,9 lần so với năm 2004.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được quan tâm và triển khai có hiệu quả. Công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai quyết liệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm, từ 44% năm 2005 xuống còn 25,68% năm 2023. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Giáo dục đào tạo chuyển biến cả về quy mô và chất lượng; duy trì, củng cố và nâng cao kết quả, tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục trẻ năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS và chuẩn xóa mù chữ, có 362/463 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe Nhân dân có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất của ngành y tế được đầu tư nâng cấp: 100% số xã, phường có trạm y tế, tỉnh hiện có 818 bác sĩ; đạt 12,66 bác sĩ/1 vạn dân, tăng 0,39 bác sĩ/1 vạn dân so với năm 2020.

Điện Biên hôm nay  từ đô thị đến nông thôn đã có nhiều đổi thay, khởi sắc.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, các dự án phát triển đô thị, dịch vụ, điểm nhấn quan trọng như: Cảng hàng không Điện Biên Phủ; đường 60m và hạ tầng kỹ thuật khung; Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, Bức tranh Panorama trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ,... Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia giữ vững; tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế, hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào; duy trì và mở rộng quan hệ với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; mở rộng quan hệ với các nước Angiêri, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, các nước vùng Caribe,...

PV: Có thể thấy cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã góp phần xây dựng Điện Biên ngày càng vững mạnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy có thể chia sẻ những dấu ấn trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của địa phương?

Đồng chí Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên: Tỉnh uỷ Điện Biên xác định công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhân tố quyết định tạo nên những thắng lợi. Trong những năm qua, tổ chức cơ sở Đảng, đội ngũ đảng viên phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ một Ban Cán sự Đảng khi mới thành lập chỉ có 20 đảng viên (tháng 10/1949), đến nay, riêng Đảng bộ tỉnh Điện Biên có 14 đảng bộ trực thuộc với 617 tổ chức cơ sở đảng (236 Đảng bộ cơ sở, 381 Chi bộ cơ sở), Chi bộ trực thuộc 2.845, với 47.693 đảng viên. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cấp ủy, cán bộ đảng viên được nâng lên; phương thức lãnh đạo của đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị có bước đổi mới.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng được đổi mới về hình thức, phương pháp; các hội nghị học tập, quán triệt được tổ chức tới 100% cấp ủy, tổ chức đảng và 95,5% cán bộ, đảng viên, 80% quần chúng Nhân dân. Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn được quan tâm triển khai thực hiện, nhất là việc xây dựng, ban hành các nghị quyết, đề án, chương trình hành động, kế hoạch,... của cấp ủy các cấp đảm bảo tính sát thực, khả thi cao. Công tác giáo dục lý luận chính trị tiếp tục có sự đổi mới về nội dung, phương pháp dạy và học, gắn lý luận với thực tiễn.

Quan tâm củng cố, xây dựng phát triển tổ chức đảng, đảng viên, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới. Đến nay 100% thôn, bản có chi bộ độc lập; 100% xã, phường, thị trấn thành lập chi bộ quân sự; tỷ lệ trưởng thôn, bản, tổ dân phố là đảng viên đạt 66,53%; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (giảm 148 tổ chức); công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm chỉ đạo, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng đã cử 5.178 lượt cán bộ đi đào tạo chuyên môn, 3.299 lượt cán bộ đi đào tạo lý luận chính trị, 62.962 lượt cán bộ được bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, kỹ năng.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai sâu rộng, thực hiện nghiêm. Phương thức lãnh đạo của Đảng có nhiều đổi mới, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Hoạt động của chính quyền các cấp được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng được phát huy, chất lượng, hiệu quả hoạt động nâng lên, góp phần tăng cường khối đoàn kết các dân tộc.

Sau 20 năm chia tách, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng.

PV: Thưa đồng chí, việc giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ tỉnh là vấn đề có tính nguyên tắc, nhiều cán bộ, đảng viên và Nhân dân cũng quan tâm. Xin đồng chí cho biết thêm về vấn đề này?

Đồng chí Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên: Giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ tỉnh là vấn đề có tính nguyên tắc chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, quyết định đến thành công của công cuộc xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh và bền vững. Cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo chính quyền và Nhân dân hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Các cấp ủy, tổ chức đảng đã đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, quán triệt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái của thế lực thù địch. Đây là cơ sở tạo sự thống nhất về tư tưởng, tổ chức, từ đó thống nhất về hành động của mỗi đảng viên, tổ chức đảng, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Các hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng được tổ chức tới 100% cấp ủy, tổ chức đảng và 95,5% cán bộ, đảng viên, 80% quần chúng Nhân dân.

Giữ vững và thực hiện nghiêm túc, đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, Đảng bộ tỉnh đã đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động xây dựng, triển khai thực hiện đồng bộ 12 chương trình trọng điểm và 08 nhiệm vụ trọng tâm đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đoàn kết, kịp thời lãnh đạo xây dựng và ban hành 18 nghị quyết chuyên đề ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2020 - 2025, 04 chương trình hành động, 04 đề án, hơn 100 kế hoạch và hàng nghìn văn bản chỉ đạo khác để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình trọng điểm và nhiệm vụ trọng tâm.

Các cấp ủy, tổ chức đảng đã xây dựng quy chế dân chủ, bảo đảm thực hiện các quyền của đảng viên, nhất là quyền được thông tin, thảo luận, chất vấn, phê bình. Đề cao trách nhiệm cá nhân, quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm liên đới khi có cán bộ, đảng viên thuộc quyền vi phạm kỷ luật. Đã phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực hiện tự phê bình và phê bình, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Để giữ vững và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 532 mô hình học tập và làm theo Bác, tiêu biểu như: Mô hình “Tổ dân vận cơ sở”, mô hình “cán bộ, lãnh đạo quản lý đi đầu làm mô hình kinh tế” ở huyện Nậm Pồ; mô hình trồng dâu tây, trồng chanh leo, nuôi cá lồng ở huyện Tủa Chùa; mô hình “Phụ nữ Mường Thanh thời đại mới” ở thành phố Điện Biên Phủ;...

Cấp ủy đảng các cấp đã phát hiện, xử lý nghiêm những biểu hiện chia bè phái, cục bộ gây mất đoàn kết trong Đảng; bổ nhiệm những cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực vào cơ quan lãnh đạo của Đảng. Trong bối cảnh chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, vấn đề giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ tỉnh càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Có thể khẳng định, đoàn kết thống nhất là yếu tố có tính chất quyến định để Đại hội đảng các cấp sáng suốt đưa ra quyết định đúng đắn về những vấn đề trọng yếu của địa phương, lựa chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tâm, có tài phụng sự cho lợi ích của tập thể, cho cách mạng và vì lợi ích của Nhân dân.

Đoàn kết thống nhất là yếu tố có tính chất quyến định đối với sự phát triển của tỉnh Điện Biên.

PV: Nhìn lại 115 năm hình thành và phát triển, Điện Biên hôm nay từ đô thị đến nông thôn đã có nhiều đổi thay, đặc biệt từ đầu nhiệm kĐại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đến nay. Vậy trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Điện Biên tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào để tạo đột phá, xây dựng Điện Biên trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững?

Đồng chí Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên: Để tỉnh Điện Biên phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tới, tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất: Tiếp tục lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại; khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc và di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; liên kết các tỉnh Tây Bắc phát triển chuỗi du lịch, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tăng cường đấu tranh phòng, chống hiệu quả tội phạm, tệ nạn xã hội, hạn chế tai nạn giao thông, cháy nổ; ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống lũ lụt, bão, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản Nhà nước, tài sản của Nhân dân. Mở rộng, phát triển quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh. Quyết tâm đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Thứ hai: Tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược và các chương trình trọng điểm (Đột phá về xây dựng hệ thng kết cu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại; Đột phá về nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển; Đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển) đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động và các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các ngành cụ thể hóa bằng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Thứ ba: Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, tạo điểm nhấn và đột phá trong phát triển kinh tế và tăng thu ngân sách. Tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện kế hoạch di chuyển Khu trung tâm hành chính, chính trị tỉnh Điện Biên; chuẩn bị các thủ tục đầu tư dự án, công tác giải phóng mặt bằng Cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang (giai đoạn 1). Hoàn thành các dự án sử dụng vốn đầu tư công như: Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục QL 279 và QL 12, tỉnh Điện Biên; Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội; Dự án Cụm hồ Bản Phủ - Nậm Là; dự án Cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến quy hoạch Quốc lộ 12D. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư phát triển các khu đô thị tạo nguồn thu từ đất, tăng thu ngân sách trên địa bàn để phục vụ nhu cầu phát triển. Hoàn thiện các trình tự, thủ tục đầu tư nâng cấp Lối mở A Pa Chải - Long Phú lên cửa khẩu song phương, tạo điều kiện đế giao thương hàng hóa và phát triển du lịch. Triển khai thành công Đề án thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ.

Điện Biên xác định tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, tạo điểm nhấn và đột phá trong phát triển kinh tế và tăng thu ngân sách là một trong những nhiệm vụ trọng tập giúp tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Thứ tư: Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên đặt trong mối liên kết tổng thể phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 03-CTrHĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

PV Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư!

Lam Anh (thực hiện) (Bài sử dụng ảnh của các đồng nghiệp Báo Điện Biên Phủ)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN