Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm trong liên kết vùng

Thứ Ba, 10/09/2024 15:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Liên kết vùng là yêu cầu đặt ra đối với TP Đà Nẵng và các địa phương trong khu vực mà Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị đã chỉ đạo. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 05 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, yêu cầu trên đang là một thách thức lớn, cần có giải pháp và nỗ lực quyết liệt hơn của các cấp, các ngành, nhất là các cấp uỷ, chính quyền các địa phương trong khu vực nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng.

 Các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định Đà Nẵng đang từng bước khẳng định Trung tâm của vùng miền Trung - Tây nguyên và cả nước

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ nêu rõ: “Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng trên cơ sở khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh hạt nhân của thành phố Đà Nẵng và lợi thế vùng; tạo sự thống nhất trong liên kết, phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương miền Trung - Tây Nguyên, nhất là trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện và xúc tiến, huy động nguồn lực triển khai thực hiện kế hoạch và nội dung liên kết, nâng cao sức cạnh tranh để cùng phát triển”.

Thực hiện định hướng đó, đến nay, TP Đà Nẵng đã chủ động phát huy nội lực, khai thác hiệu quả các định hướng của Trung ương để tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng để từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, cực phát triển quan trọng của Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ trong một số lĩnh vực như du lịch, khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, công nghệ thông tin.

Đặc biệt, kế thừa các kết quả liên kết vùng đã đạt được của Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung, Hội đồng điều phối vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, TP Đà Nẵng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức các hội thảo, hội nghị để đánh giá về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển, cơ chế liên kết, phát triển vùng và đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường liên kết vùng giai đoạn 2021-2030, nhất là trong quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông, thiết lập không gian du lịch vùng, hợp tác huy động vốn đầu tư và các cơ chế, chính sách phát triển của vùng.

Cùng với đó, TP Đà Nẵng và các địa phương trong vùng cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với Nhóm tư vấn liên kết phát triển vùng, Trung tâm tư vấn - nghiên cứu phát triển miền Trung  trong nghiên cứu, đề xuất với Trung ương về cơ chế, chính sách phát triển vùng; trong xây dựng chuỗi liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải và liên vùng (liên kết với các vùng lân cận, kể cả liên kết quốc tế).

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của TP Đà Nẵng trong vùng và tăng cường liên kết nhằm phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ, hạn chế sự trùng lặp về cơ cấu ngành, sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, trong giai đoạn 2019 - 2023, TP Đà Nẵng đã rào soát các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Cạnh đó, TP cũng chủ động ký kết chương trình hợp tác, hỗ trợ, liên kết phát triển với các địa phương trong vùng trên các lĩnh vực, trọng tâm là hợp tác, phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam để hình thành vùng đô thị Đà Nẵng, bao gồm Chân Mây (Lăng Cô) - Đà Nẵng- Điện Bàn - Hội An - Nam Hội An; phát triển du lịch với hình ảnh “Ba địa phương- một điểm đến”; phối hợp với tỉnh Quảng Nam phát huy hiệu quả các diễn đàn đa phương trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, xúc tiến, huy động nguồn lực, trong đó tập trung vào kết nối giao thông, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, y tế, giáo dục - đào tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…; phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế tu bổ, tôn tạo di tích Hải Vân Quan, kết nối giao thông với Lăng Cô, huyện Phú Lộc; phối hợp với tỉnh Quảng Nam mở rộng cửa khẩu Đắc Ốc thành cửa khẩu quốc tế.

Không dừng lại ở những liên kết kể trên, theo UBND thành phố Đà Nẵng, thời gian qua địa phương này cũng đã đẩy mạnh hợp tác, liên kết xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, qua đó góp phần tăng cường kết nối, thông thương, phát triển kinh tế - xã hội giữa Đà Nẵng với các tỉnh Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Trong đó, các dự án trọng điểm vùng và liên tỉnh nổi bật như: tuyến Quốc lộ 14D, 14G và 14B, đường cao tốc La Sơn - Tuý Loan (tỉnh Thừa Thiên Huế), kết nối đồng bộ tuyến đường ven biển dọc các tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, TP Đà Nẵng đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực đầu tư, xây dựng mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Ung thư, Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Tim mạch; đầu tư xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá với quy mô lớn và phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam để quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn….

 Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đáng kể trên, theo đánh giá của Ban Kinh tế Trung ương tại Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW mới đây thì việc liên kết giữa TP Đà Nẵng với các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ còn nhiều bất cập, vai trò trung tâm của TP Đà Nẵng chưa được phát huy.

Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, các thoả thuận liên kết giữa Đà Nẵng với các địa phương trong khu vực còn mang tính hình thức, hành chính, thiếu phối hợp thực chất, chủ yếu đồng thuận về nguyên tắc chứ chưa quan tâm nhiều đến triển khai cụ thể. Trong khi đó, các liên kết trong quy hoạch thiếu hiệu quả, các góp ý quy hoạch không mang tính thực chất, trừ khi có sự đụng chạm trực tiếp. Còn liên kết theo ngành, lĩnh vực sản xuất cũng còn lỏng lẻo, thiếu ràng buộc, chưa hiệu quả. Trong kêu gọi đầu tư thì còn thiếu đồng bộ, dàn hàng ngang, chưa tận dụng được lợi thế riêng của TP Đà Nẵng; kết nối về đầu tư còn rời rạc, nhất là trong các khu kinh tế, khu công nghiệp. Mặt khác, liên kết trong phát huy hiệu quả các công trình hạ tầng chưa cao, nhất là cảng biển nên việc đầu tư xây dựng cảng biển ở miền Trung thiếu trọng tâm, hiệu quả kinh tế thấp.

Theo đại diện Ban Kinh tế Trung ương, qua hơn 05 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW: “Mục tiêu xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển đất nước còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đặt ra; vai trò trung tâm vùng, thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên còn mờ nhạt”.

Tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, đồng thời hạn chế, khắc phục các khó khăn, bất cập như vừa kể, trong thời gian đến, TP Đà Nẵng phải không ngừng khẳng định vai trò trò trung tâm trong mối liên kết vùng và cả nước; tiếp tục định hướng, thúc đẩy vai trò trung tâm thu hút các ngành công nghệ cao. Trong đó, cần quan tâm tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để thu hút các ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới, tự động hoá; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Cùng với đó, Đà Nẵng cũng phải dành nhiều quan tâm, ưu tiên hàng đầu cho thị trường khoa học- công nghệ để thu hút, tạo sự hấp dẫn cho doanh nghiệp dịch vụ công nghệ vào sản xuất cho toàn vùng; trên cơ sở đó từng bước nỗ lực để trở thành một trung tâm dịch vụ khoa học  công nghệ tiên tiến của khu vực.

Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị diễn ra tại TP Đà Nẵng mới đây 

Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện thành công vai trò này, nhiều ý kiến nêu ra tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị mới đây cho rằng, Đà Nẵng cần tiếp tục đẩy nhanh hơn các liên kết với các trung tâm công nghệ, tạo lập môi trường thuận lợi cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, thu hút nhân lực và đầu tư hạ tầng công nghệ, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu lớn.

Cạnh đó, Đà Nẵng cũng từng bước nâng vị trí của mình trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục đầu tư hạ tầng để trở thành trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; tăng cường tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; nâng cấp hạ tầng cảng biển, sân bay, kết nối cao tốc, xây dựng mô hình thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; không ngừng liên kết, gắn kết với các địa phương trong vùng và các bộ, ngành của Trung ương để phối hợp tháo gỡ, xử lý những điểm nghẽn về đầu tư, liên kết vùng theo các định hướng đã đề ra./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN