Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng Cục Sở hữu trí tuệ xứng đáng là hạt nhân của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam

Thứ Sáu, 29/07/2022 19:41 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị, Cục Sở hữu trí tuệ cần tăng cường mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp; xứng đáng với vai trò là hạt nhân của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Ngày 29/7, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập (29/7/1982 - 29/7/2022).

 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt  phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TL

Tiếp nhận gần 01 triệu đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, cấp gần 600 nghìn văn bằng bảo hộ

Tại lễ kỷ niệm, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, trong những năm qua, Cục đã thể hiện rõ vai trò là đầu mối giúp Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và trực tiếp quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Từ việc chủ trì trong xây dựng chính sách, pháp luật sở hữu trí tuệ đến tổ chức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam, đã tích cực thực hiện việc chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động sở hữu trí tuệ.

Trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ, từ những điều lệ ban đầu của Hội đồng Bộ trưởng, Cục đã đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ với 04 Luật và hơn 20 Nghị định và 23 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt, tháng 6/2022, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ với nhiều điểm mới tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thúc đẩy hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ, tạo động lực mới cho hoạt động phát triển sở hữu trí tuệ ở nước ta hiện nay.

“Xác lập quyền sở hữu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục từ ngày đầu thành lập và ngày càng quan trọng bởi số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng nhanh, đòi hỏi việc xử lý đơn vừa phải đẩy mạnh được, vừa phải đảm bảo chất lượng ngày một cao do sự gia tăng tình trạng tranh chấp, khiếu nại” - ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến hết tháng 6/2022, Cục đã tiếp nhận gần 01 triệu đơn đăng ký sở hữu công nghiệp  và cấp gần 600 nghìn văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp các loại.

Chất lượng xử lý đơn và cấp văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp được Cục chú trọng cải thiện thông qua giải pháp đổi mới, cải tiến về quản lý, tổ chức công việc, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin..., đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội trong hoạt động bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ phục vụ sản xuất và kinh doanh của xã hội.

Bên cạnh đó, công tác phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội luôn được quan tâm, triển khai. Năm 2005, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 04/4/2005 với mục tiêu nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho các chủ thể quyền.

Sau hơn 15 năm triển khai trên phạm vi toàn quốc, Chương trình đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho nhiều hoạt động của các cơ quan trong hệ thống sở hữu trí tuệ.

Thông qua Chương trình, Cục đã trực tiếp hỗ trợ việc phát triển tài sản trí tuệ cho một số sản phẩm địa phương như sản phẩm lụa của tỉnh Quảng Nam, sản phẩm tiêu của tỉnh Quảng Trị, điều của tỉnh Bình Phước; hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho thanh long Bình Thuận, vải thiều Lục Ngạn và cà phê Buôn Mê Thuột.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đồng thời phối hợp, lồng ghép việc tổ chức triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ với nhiều Chương trình quốc gia như Chương trình OCOP, Chương trình thương hiệu quốc gia.

Để sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ hữu hiệu nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nhanh chóng đến năm 2030 đưa đất nước trở thành một nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, ông Đinh Hữu Phí chia sẻ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ triển khai nhiều giải pháp để hướng đến đổi mới kiện toàn cơ cấu tổ chức của Cục.

Bên cạnh đó, xây dựng dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản trị và xử lý đơn, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ cho Cục, doanh nghiệp và xã hội; xây dựng mạng lưới các tổ chức hỗ trợ, bổ trợ về sở hữu trí tuệ, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ của Cục.

 Toàn cảnh lễ kỷ niệm. Ảnh: TL

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ trong Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ghi nhận những kết quả mà Cục Sở hữu trí tuệ đã đạt được trong những năm qua.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ trưởng đề nghị, thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ cấp bách như: Tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và hướng tới mục tiêu nâng cao tối đa chất lượng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; khuyến khích hoạt động sáng tạo, thúc đẩy việc khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ; tiếp tục triển khai có chất lượng và hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến 2030.

Đồng thời, Cục cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp, có hiệu quả, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính; tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nói riêng, trong hoạt động của Cục nói chung, giúp nâng cao chất lượng hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp; khuyến khích sáng tạo và áp dụng sáng kiến vào công tác xử lý đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Bên cạnh đó, Cục cần tăng cường mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới mô hình hoạt động theo hướng tách bạch hoạt động quản lý Nhà nước và sự nghiệp về sở hữu công nghiệp; nâng cao chất lượng công tác quản lý công việc; tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện đời sống của công chức, viên chức và người lao động; đảm bảo sự đoàn kết, ổn định của cơ quan xứng đáng với vai trò là hạt nhân của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam./.

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN