Xây dựng chính sách đặc thù vượt trội để KHCN và đổi mới sáng tạo là đột phá chiến lược
(ĐCSVN) – Để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, một trong các giải pháp quan trọng là nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) thực sự là đột phá chiến lược.
Ảnh minh họa. Nguồn: TL |
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Hồng Thái trước thềm năm mới 2024.
Phóng viên (PV): KHCN&ĐMST đang ngày càng khẳng định được vai trò của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được người dân và xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Thứ trưởng Trần Hồng Thái: Trong thời gian qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội; sự lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng hành, chia sẻ, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, viện, trường…, ngành KH&CN đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đưa KHCN&ĐMST đóng góp ngày càng hiệu quả vào nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân.
Chẳng hạn, nhờ ứng dụng KHCN&ĐMST, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (cao hơn gấp rưỡi Thái Lan), năng suất hồ tiêu và cá tra đứng đầu thế giới; năng suất cà phê, cao su đứng thứ 2 trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam đã làm chủ công nghệ, chế tạo thành công nhiều sản phẩm công nghiệp với tỷ lệ nội địa hóa cao góp phần chủ động nguồn cung trong nước, giảm giá thành sản phẩm nhập khẩu cùng loại…
Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là 1 trong 07 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua.
PV: Để KHCN&ĐMST đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, một trong các giải pháp quan trọng đó là hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về lĩnh vực này. Theo ông, chính sách về KH&CN còn đang tồn tại những vấn đề nào và Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các đơn vị khác ra sao để tháo gỡ?
Thứ trưởng Trần Hồng Thái: Trong quá trình phát triển và ứng dụng KHCN&ĐMST, chúng tôi ghi nhận còn một số tồn tại, khó khăn đối với các cơ sở nghiên cứu, các nhà khoa học và đối với cả mục tiêu lớn, đó là làm sao để KHCN&ĐMST sẽ phục vụ cho sự phát triển của đất nước tốt hơn.
Ví dụ, về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức nghiên cứu chưa được triển khai một cách đồng bộ; cơ chế, chính sách đãi ngộ cho các nhà nghiên cứu chưa thực hiện một cách bài bản do nhiều rào cản khác nhau.
Việc xác định các đề tài, nhiệm vụ, quản lý các chương trình KH&CN cũng đang gặp vướng mắc, từ việc tuyển chọn nhiệm vụ, quản lý, thời hạn nghiệm thu hay thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực thương mại hóa công nghệ.
Đặc biệt, chưa có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Bản chất nghiên cứu là tìm cái mới, có tính thử nghiệm, có thể thành công hoặc không thành công. Vì vậy, rủi ro trong nghiên cứu khoa học không nên hiểu đơn thuần là thất bại, bởi lẽ nghiên cứu không thành công cũng là một đóng góp để làm rõ hướng đi cho cộng đồng khoa học trong các nghiên cứu khác.
Do đó, sắp tới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN, Bộ KH&CN sẽ cố gắng tháo gỡ các rào cản về hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế, tài chính… liên quan đến KH&CN theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo; chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động KHCN&ĐMST. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để KHCN&ĐMST thực sự là đột phá chiến lược.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái . Nguồn: TL |
PV: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có rất nhiều xu hướng công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)... Bộ KH&CN có những chủ trương, chính sách nào để có thể quản lý cũng như thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ mới này, giống như nhiều nước trên thế giới đã có những bộ luật liên quan?
Thứ trưởng Trần Hồng Thái: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng trong các lĩnh vực này như: Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030…
Đồng thời, Bộ KH&CN đã cùng các Bộ, ngành từng bước thúc đẩy quá trình ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào trong cuộc sống và thực hiện chuyển đổi số. Hiện nhiều ngành khác nhau đã sử dụng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo vào trong công việc hết sức hiệu quả. Ví dụ, hệ thống ngân hàng, khí tượng thủy văn… từ quan trắc, vận hành, đến hỗ trợ ra quyết định và quản lý mọi hành động có thể bằng trí tuệ nhân tạo.
Bên cạnh những mặt tích cực của các công nghệ này, Bộ cũng đã nhận dạng, lường trước được những hệ lụy, tiêu cực có thể xảy ra, để có những nghiên cứu và xây dựng chính sách xử lý những thách thức do trí tuệ nhân tạo mang lại, đặc biệt từ góc nhìn đạo đức, nhân văn. Bộ đã hợp tác với UNESCO và nhiều tổ chức khác để thúc đẩy công việc này...
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!