Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045

Thứ Ba, 15/10/2024 16:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa tổ chức họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. (Ảnh: XT).

Tại cuộc họp, trình bày đề cương Báo cáo xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL cho biết: Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp văn hóa trên phạm vi toàn cầu đã và đang là lĩnh vực tạo nên khả năng đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Phát triển công nghiệp văn hóa là chủ trương xuyên suốt của Đảng trong các kỳ Đại hội. Để cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1755/QĐ-TTg). Kết quả thực hiện Chiến lược bước đầu đã đạt được một số thành tựu nhất định về việc nâng cao nhận thức và khẳng định tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong sự phát triển chung của đất nước.

Sau hơn 8 năm triển khai Quyết định số 1755/QĐ-TTg, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn gặp phải những khó khăn, hạn chế.

Nhận định vai trò tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên thông minh, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu "Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh", Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh và đề ra nhiệm vụ "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam".

Do vậy, đặt ra yêu cầu cần xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới, đáp ứng với sự phát triển mạnh mẽ của thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng đồng bộ và hiện đại đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đồng thời quảng bá sự đa dạng của văn hóa Việt Nam, tiếp tục phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Về mục tiêu, công nghiệp văn hóa là ngành kết hợp sự sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, sử dụng các giá trị văn hóa và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cùng kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang giá trị văn hóa và kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: (1) Điện ảnh; (2) du lịch văn hóa; (3) nghệ thuật biểu diễn; (4) mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; (5) quảng cáo; (6) kiến trúc; (7) thiết kế; (8) thời trang; (9) thủ công mỹ nghệ; (10) xuất bản; (11) truyền hình và phát thanh; (12) phần mềm và các trò chơi giải trí.

Mục tiêu là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần quảng bá văn hóa và khẳng định thương hiệu, vị thế quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên tư duy sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa, đột phá phát triển để các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đáp ứng được các yếu tố sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh, bền vững trên nền tảng dân tộc, khoa học, đại chúng nhằm quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử đất nước, con người Việt Nam, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy giao lưu, hội nhập quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đến năm 2030, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.

Đến năm 2024, định vị công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp chủ chốt, phấn đấu doanh thu đóng góp 9% GDP, thu hút 6 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 9% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế.

Mục tiêu tiếp theo là Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu về phát triển công nghiệp văn hóa trong khu vực Đông Nam Á và là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển trong khu vực châu Á. Các ngành công nghiệp văn hóa góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế sáng tạo của quốc gia và định vị Việt Nam trên bản đồ phát triển của thế giới trong kỷ nguyên thông minh.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập đã phát biểu đóng góp ý kiến và nêu đề xuất vào định hướng phát triển đối với các ngành công nghiệp văn hóa. Các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập cũng góp ý, đề xuất nhiệm vụ và giải pháp chung, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đối với từng ngành công nghiệp văn hóa.

HP

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN