Xây chắc tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam - Trung Quốc
(ĐCSVN) - Mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” giữa Việt Nam và Trung Quốc đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân hai nước, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.
Lào Cai là tỉnh đầu tiên triển khai mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” giữa Việt Nam và Trung Quốc; đồng thời cũng là “điểm sáng” tiêu biểu trong hoạt động ý nghĩa này. Ngày 17/8/2013, cặp thôn - bản đầu tiên tổ chức kết nghĩa trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc là thôn Cốc Phương (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, Việt Nam) và tổ Tam Bình Bá (thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Theo ông Giàng Chúng, thôn Cốc Phương chia sẻ, từ khi thực hiện mô hình kết nghĩa, nhân dân thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá đều vui mừng, phấn khởi và càng trở nên thân thiết hơn, cùng đoàn kết, giúp nhau phát triển. Nhân dân hai bên thường xuyên động viên nhau tự giác chấp hành các quy chế biên giới, khi xảy ra vụ việc liên quan, cùng ngồi lại với nhau, giải quyết thấu tình đạt lý, đảm bảo đúng pháp luật, giữ được tình đoàn kết, hữu nghị, đồng thời thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế.
Đại diện lãnh đạo UBND xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai và đại diện lãnh đạo UBND thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ký kết biên bản ghi nhớ tại Hội nghị Sơ kết 10 năm mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” (Ảnh: Ngọc Lâm) |
Tìm hiểu được biết, từ thành công của mô hình đầu tiên nói trên, việc “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được nhân rộng ở Lào Cai nói riêng và trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước nói chung, qua đó tăng cường công tác đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Thực tế, với việc kết nghĩa thôn - bản, xã - trấn, tình đoàn kết, hữu nghị của bà con ở cụm dân cư biên giới hai nước được vun đắp. Nhân dân hai nước cùng thống nhất quyết tâm thực hiện những điều đã được kí kết như: hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh; chia sẻ kinh nghiệp về phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa.
Đặc biệt, nhân dân hai bên biên giới đều tuân thủ nghiêm túc các quy định về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, cùng nhau bảo vệ đường biên, cột mốc; phối hợp cùng với lực lượng chức năng 2 nước đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, mua bán người và buôn lậu hàng hóa… góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự khu vực biên giới.
Theo Đại tá Trần Quang Tùng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai, hiệu quả từ mô hình kết nghĩa dân cư hai bên biên giới đã tăng cường tình đoàn kết láng giềng, hữu nghị, giúp nhau cùng phát triển theo đúng quan điểm, chủ trương của hai Đảng, hai Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Đội văn nghệ bản Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (Việt Nam) tham gia giao lưu văn nghệ tại Lễ kết nghĩa thôn bản hữu nghị giữa huyện Phong Thổ và huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ảnh: Thùy Giang. |
Được biết đến nay, trên toàn tuyến biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, lực lượng Bộ đội Biên phòng cùng với chính quyền địa phương các cấp đã triển khai kết nghĩa cho hàng chục cặp cụm dân cư của hai nước. Việc ký biên bản kết nghĩa đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân các bản hai bên biên giới. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Một điểm nhấn có tính nổi bật của mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” giữa Việt Nam và Trung Quốc đó là theo nội dung kết nghĩa, các cụm cư dân hai bên biên giới còn phối hợp tổ chức nhiều hình thức hoạt động phổ biến các văn bản pháp luật về biên giới quốc gia, các hiệp định, nghị định, quy chế quản lý biên giới chung, truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước. Từ đó, trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc hai bên biên giới về ý thức, trách nhiệm đổi với chủ quyền lãnh thổ quốc gia của mỗi nước. Đến nay, đã có ba nhà văn hóa hữu nghị, hai trung tâm văn hóa, thương mại và du lịch biên giới Việt Nam - Trung Quốc được tặng cho chính quyền và nhân dân biên giới, trở thành điểm hẹn giao lưu văn hóa và giao thương của nhân dân hai bên biên giới.
Thực tiễn hơn 10 năm qua cho thấy, mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” là cách làm sáng tạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối đối ngoại rộng mở của Ðảng, Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đồng thời, mô hình còn thể hiện sự vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm của Ðảng trong công tác dân vận của lực lượng Bộ đội Biên phòng và các địa phương trong tình hình mới, góp phần quan trọng xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, ổn định, phát triển.
Với những nội dung hoạt động cụ thể, thiết thực, bám sát thực tiễn và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân ở khu vực biên giới hai nước, mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” đã góp phần xây chắc tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam - Trung Quốc; thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết gắn bó dân tộc, thân tộc của nhân dân hai bên biên giới; giúp nhân dân 2 bên biên giới hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng tình cảm, ý thức, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ đường biên giới chung giữa 2 nước, góp phần quan trọng xây dựng biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững./.