Xác định vai trò của các Bộ, ngành để gỡ “nút thắt” quản lý thuốc lá mới
(ĐCSVN) - Vấn đề lựa chọn các giải pháp hiệu quả phù hợp với thực tiễn để ứng xử với thuốc lá mới đã được thảo luận nhiều năm qua mà chưa có tiến triển rõ nét. Mới đây, nhiều chuyên gia tiếp tục đưa ra ý kiến nhằm tháo gỡ nút thắt của việc kiểm soát mặt hàng này, đó chính là cần xác định quyền hạn quản lý của từng cơ quan liên quan. Đây chính là cơ sở để từ đó nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý cho thuốc lá mới.
Tọa đàm “Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng” diễn ra ngày 19/10 đã quy tụ nhiều đại diện bộ, ngành và Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham dự. Bên cạnh việc đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng thuốc lá mới, các đại biểu tham dự tọa đàm còn đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm quản lý trong lĩnh vực này.
Cần hài hòa giữa công tác quản lý, tuyên truyền và bảo vệ sức khỏe
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, các hoạt động kinh doanh đều phải tuân theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, tôn trọng lẫn nhau. Thuốc lá mới cũng không ngoại lệ. TS. Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV cho rằng: “Cần phải hài hòa giữa công tác quản lý nhà nước, công tác tuyên truyền và công tác bảo vệ sức khỏe”.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: TL. |
Cũng theo ông Kiên, vấn đề thuốc lá mới hiện nay cũng tương tự như cuộc chiến chống lại thuốc lá điếu nhập lậu vào năm 1998 – 1999 khi cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để ngăn cấm. Tuy nhiên, sau cùng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đã ra đời, bởi nếu chỉ có các biện pháp hành chính thì rất khó hiệu quả.
Giải thích thêm về Quyết định 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã ký trong tháng 5 vừa qua về phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2023, trong đó có việc ngăn ngừa tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên và cộng đồng, ông Kiên nhấn mạnh ở đây Chính phủ yêu cầu tính đồng bộ, toàn diện trong công tác quản lý, chứ không đề cập đến hướng tiếp cận cấm đoán cực đoan, lý thuyết.
"Tinh thần của Chính phủ là tôn trọng thực tế khách quan, cần có những biện pháp đồng bộ nhằm đảm bảo người dùng hàng có chất lượng, thu ngân sách của nhà nước không thất thu, quản lý giá lưu hành trên thị trường để sản phẩm này không tạo thành một mặt hàng siêu lợi nhuận. Điều bao trùm tất cả vẫn sẽ là bảo vệ sức khỏe người dân Việt và đặc biệt là thế hệ trẻ", ông Kiên nói.
Làm rõ vai trò, trách nhiệm các Bộ, ngành trong kiểm soát thuốc lá mới
Đánh giá về sự phối hợp của các bộ ngành, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng đây là một lĩnh vực rất rộng, nếu đánh giá tác động của người tiêu dùng thì phải do Bộ Y Tế, đánh giá đến vấn đề sản xuất phải là nhiệm vụ của Bộ Công thương, đánh giá quản lý nhà nước thì lại do một bộ phận của Bộ Công thương là Tổng cục Quản lý thị trường; ngoài ra lĩnh vực này còn liên quan đến Tổng cục Thuế, cơ quan thuộc Bộ Tài Chính.
Bổ sung thêm cho ý kiến ông Kiên, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, ngoài các Bộ chủ đạo còn có vai trò của Bộ Khoa học - Công nghệ trong việc đánh giá các yếu tố kỹ thuật. Ông Hải cũng nhắc lại Tổng Cục đo lường Chất lượng thuộc Bộ KHCN cũng đã ra ban hành tiêu chuẩn quốc gia cho thuốc lá mới.
Mặc dù chưa được thông qua, nhưng trước đó Bộ Tài chính cũng đã có khuyến nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên các sản phẩm thuốc lá mới là thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử.
Nêu ý kiến liên quan, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần có các tổ chức chuyên môn tham gia. Cụ thể, cần có hội đồng thẩm định, có các tiêu chuẩn để định nghĩa một sản phẩm là thuốc lá, định danh thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng… để áp dụng quy định rõ ràng, phù hợp.
Chia sẻ về tiến độ phối hợp với các Bộ ngành để lấy ý kiến cho việc đề xuất phương án quản lý thuốc lá mới như Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Tiêu dùng Thực phẩm, Cục Công nghiệp của Bộ đã cung cấp thêm nhiều thông tin quan trọng. Theo đó, Bộ Công thương hiện đã chủ động xây dựng phương án quản lý tiệm cận gần nhất với ý kiến của Bộ Y tế, để trình Chính phủ theo hướng phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư, phù hợp với Chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe người sử dụng, cũng như dung hòa quyền lợi của các chủ thể liên quan và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện và tác động toàn diện lên mọi mặt của xã hội. Theo các chuyên gia tại tọa đàm, thuốc lá dù là truyền thống hay thế hệ mới cũng đều cần sự tham gia của các bộ ngành liên quan để chính sách kiểm soát được toàn diện và đầy đủ, hài hòa lợi ích các bên, theo xu hướng phát triển thị trường. Đặc biệt, thuốc lá mới còn là sản phẩm của khoa học công nghệ, do đó cần có sự tham gia của các cơ quan khoa học để nghiên cứu những tác động xung quanh. Vì vậy, về các vấn đề liên quan đến ảnh hưởng của thuốc lá mới lên giới trẻ như xã hội đang quan tâm hiện nay, cùng với chính sách kiểm soát đối với mặt hàng này.
Ông Vũ Công Thảo, Chuyên viên Cao cấp Vụ Khoa giáo văn xã, Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: TL. |
Liên quan đến nội dung này, ông Vũ Công Thảo, Chuyên viên Cao cấp Vụ Khoa giáo văn xã, Văn phòng Chính phủ nhận định: "Đứng trước câu chuyện thanh thiếu niên tiếp xúc với thuốc lá mới, những đánh giá về mặt khoa học đến bây giờ vẫn chưa đầy đủ. Vậy có nguy hiểm đến mức tuyệt đối cấm hay không?. Vấn đề này phải do các nhà khoa học đánh giá cụ thể và tổng hợp kinh nghiệm của quốc tế và trong nước".
Ông Thảo cho biết thêm: Sang tháng 11, COP10 (Hội nghị Các Bên về Kiểm soát Thuốc lá) tại Panama cũng bàn về thuốc lá mới. Thực trạng thuốc lá mới đã tồn tại trên thế giới và nhiều nước đã đưa vào quy định về quản lý.
“Vấn đề đặt ra là, nếu Việt Nam xem thuốc lá mới là một sản phẩm thương mại và cho phép nhập khẩu thì phải có quy định về quản lý, và quyết định này thuộc về Bộ Công thương”, ông Thảo nêu vấn đề./.