Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo

Thứ Ba, 25/10/2016 09:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 24/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.


Đại biểu Thích Thanh Quyết phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN)

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo, tổ chức tôn giáo, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có hoạt động liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Liên quan đến vấn đề  quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật để các quy định về thủ tục hành chính phù hợp hơn với quan điểm xây dựng Luật. Đến nay, rất nhiều nội dung trong dự thảo đã chuyển từ hình thức đăng ký - cấp phép hoặc đề nghị - chấp thuận sang hình thức thông báo. Dự thảo Luật cũng minh bạch hoá các quy định về thủ tục hành chính, thẩm quyền và thời gian xử lý... Những điểm mới này nhằm góp phần tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; đồng thời thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước đối với những vấn đề thuộc về nội bộ của tổ chức tôn giáo.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng khẳng định, hiện nay, Chính phủ đã thống nhất quản lý về tín ngưỡng, tôn giáo. Theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tôn giáo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội, tín ngưỡng nhưng chưa có cơ quan nào quản lý Nhà nước về tín ngưỡng. Quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong thực tiễn còn thiếu đồng bộ; vì vậy việc đặt ra yêu cầu cần có một cơ quan phù hợp chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm bảo đảm sự thống nhất trong quản lý về lĩnh vực này là xác đáng.

Tuy nhiên, việc quy định cụ thể ngay trong Luật cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này như trong dự thảo Luật trình Quốc hội: giao Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước và phân công cụ thể cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã khẳng định và cụ thể hóa nội hàm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân, tổ chức và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể, đầy đủ hơn về lĩnh vực tín ngưỡng. Tuy nhiên, các loại hình tín ngưỡng ở nước ta rất đa dạng, phong phú, gắn với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán. Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị dự thảo Luật chỉ quy định những nội dung đã ổn định, rõ ràng liên quan đến tín ngưỡng.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhận định, dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có ý nghĩa quan trọng, liên quan đến đời sống tinh thần của người dân. Do đó, việc xây dựng Luật phải bảo đảm quản lý Nhà nước, định hướng kiểm soát được các hoạt động tôn giáo, bảo đảm các hoạt động đi đúng hướng, với mục đích hướng thiện. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần nhấn mạnh tự do tín ngưỡng theo quy định của Hiến pháp và thể hiện tính đặc thù tín ngưỡng là niềm tin và quyền được thực hiện niềm tin của các tổ chức, cá nhân.

Về công nhận tổ chức tôn giáo, một số đại biểu đề nghị quy định theo hướng khi tổ chức đã đăng ký hoạt động tôn giáo và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một tổ chức thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét và công nhận ngay. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu điều chỉnh các quy định về điều kiện đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận tổ chức tôn giáo rõ ràng, chặt chẽ hơn.

Phân tích những bất cập trong quy định 5 năm thử nghiệm hoạt động sau đó mới được cấp giấy chứng nhận là tổ chức tôn giáo, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng: “Nếu quy định như vậy trong tổ chức thực hiện sẽ phát sinh một số vấn đề. Cụ thể, trong 5 năm đó, tổ chức đó chưa được công nhận là tổ chức có tư cách pháp lý và cũng chưa rõ mô hình hoạt động là gì, quyền hạn cũng như trách nhiệm chưa rõ. Theo tôi, tổ chức đó khi đăng ký nếu chứng minh đủ điều kiện hoạt động thì nên cho phép là tổ chức tôn giáo. Trong quá trình hoạt động nếu có dấu hiệu vi phạm thì không cho phép hoạt động”.

Đánh giá dự thảo Luật có chương riêng quy định tự do tín ngưỡng và xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần cho các tôn giáo hội nhập quốc tế dễ dàng hơn, đại biểu Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) khẳng định, đây là quy định hết sức nhân văn, tạo nên sự phấn khởi, tin tưởng của đồng bào các đạo vào Nhà nước và cùng Nhà nước chung tay gánh vác các vấn đề của xã hội.

Các đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An); Đặng Ngọc Nghĩa, (đoàn Thừa Thiên - Huế); Hoàng Thị Hoa (đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh, tôn giáo luôn đồng hành cũng dân tộc. Đề nghị bổ sung các quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và quy định cụ thể hơn về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam để phù hợp hơn với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

Các đại biểu cũng đồng tình với việc nâng Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo lên thành Luật, giao Chính phủ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo để quản lý lĩnh vực này. Bởi thực tế hiện nay, tín ngưỡng, tôn giáo phát triển mạnh, nhưng có nhiều hiện tượng thương mại hóa tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kích động, chống phá nhà nước, gây mất an ninh trật tự.

Ngày 25/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật về hội và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự án luật này./.

Mạnh Hùng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN