Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

WHO: Xung đột vũ trang làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh

Thứ Hai, 07/11/2022 16:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 7/11, hãng thông tấn TASS dẫn lời đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nga – bà Melita Vujnovic cảnh báo rằng, các cuộc xung đột vũ trang trên toàn cầu có thể trở thành nguyên nhân thúc đẩy gia tăng sự lây lan của các dịch bệnh như COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.

 Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nga – bà Melita Vujnovic. (Ảnh: Gavriil Grigorov/TASS)

"Chúng tôi có thể nói rằng tất cả những cuộc xung đột trên toàn cầu mà chúng ta được chứng kiến có thể tác động đến sự lây lan của COVID-19 và những dịch bệnh khác, gồm cả cúm. Vì vậy, đây là một tình huống đầy thách thức đối với các nhân viên y tế - những người phải đương đầu với tất cả những điều đó" – bà Vujnovic nói.

Đại diện của WHO lưu ý rằng, nếu xét từ khía cạnh lịch sử, có thể thấy những cuộc xung đột vũ trang và các bệnh truyền nhiễm thường song hành với nhau. Mọi tình huống xung đột đều có thể làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cũng như việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Bên cạnh đó, tình trạng di cư sẽ diễn ra khi người dân phải di tản từ nhiều nơi khác nhau và tập trung vào một nơi mà không phải nhà của họ. Môi trường này đang khiến các bệnh truyền nhiễm lây lan mạnh, bất kể đó là do virus hay vi khuẩn gây ra.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Nga, bà Vujnovic cũng chỉ ra rằng, COVID-19 không thể được xem như một bệnh theo mùa, bởi thế giới vẫn đang "trong giai đoạn đại dịch" dù không nghiêm trọng như giai đoạn người dân hoàn toàn không có miễn dịch.

Theo phân tích của chuyên gia WHO, năm đầu tiên bùng phát dịch là thời điểm nghiêm trọng nhất; năm thứ hai vẫn còn đầy thách thức ngay cả khi chúng ta đã đối phó tốt hơn với dịch bệnh.

“Vì thế, chúng ta không thể nói COVID-19 là bệnh theo mùa như bệnh cúm… Đại  dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc… Chúng ta chưa ở giai đoạn tăng dần cấp tính của đại dịch nhưng virus vẫn đang lây lan trên toàn thế giới, và làn sóng dịch bệnh vẫn đang tiếp tục” – bà Vujnovic nhấn mạnh.

Về tình hình dịch bệnh tại Nga, bà Vujnovic cho biết, số các ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại quốc gia châu Âu này đã có xu hướng giảm trong 6 tuần qua.

“Ngay cả khi chúng ta thấy rằng số lượng xét nghiệm đã giảm theo một tỷ lệ nhất định, thì số kết quả dương tính với virus vẫn tiếp tục giảm. Điều này có nghĩa là tại thời điểm này, sự lưu hành của virus ở Nga đang thấp hơn” – đại diện của WHO nêu rõ.

Tuy nhiên, bà Vujnovic cảnh báo, tình hình có thể thay đổi do sự xuất hiện của các chủng virus mới và các yếu tố khác. Vì thế, cần tiếp tục thận trọng lắng nghe thông tin từ các nhà dịch tễ học - những người đang duy trì cảnh giác và không ngừng tìm kiếm các chủng virus mới.

"Việc phát hiện ra một chủng virus mới không có nghĩa là nó sẽ gây ra một hậu quả nào đó, mà chúng ta cần phải theo dõi diễn biến của nó. Điều rất quan trọng là phải duy trì cảnh giác" – bà Vujnovic lưu ý./.

T.Lan (Theo báo chí Nga)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN