Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

WHO nhận định nguyên nhân gia tăng ca mắc COVID-19 ở châu Âu

Thứ Tư, 23/03/2022 15:19 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 22/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại khi nhiều nước châu Âu, trong đó có Đức, Pháp, Italy và Vương quốc Anh đã “quá lỏng tay” dỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch COVID-19, kéo theo sự gia tăng số ca mắc COVID-19 có thể do biến thể phụ BA.2 của Omicron (còn gọi là "Omicron tàng hình") với đặc tính dễ lây lan hơn.

Số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại tại một số nước châu Âu. (Ảnh:  AP Photo) 

Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày tại Moldova, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge đã bày tỏ sự lạc quan song vẫn kêu gọi cảnh giác về diễn biến dịch bệnh tại châu Âu. "Những nước chúng tôi ghi nhận sự gia tăng đặc biệt số các ca nhiễm COVID-19 là Vương quốc Anh, Ireland, Hy Lạp, CH Síp, Pháp, Italy và Đức".

Quan chức của WHO chỉ ra rằng, nguyên nhân khiến số ca mắc gia tăng tại châu Âu có thể là do một số nước đã quá “lỏng tay” trong việc gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch, cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron tàng hình với đặc tính dễ lây lan hơn.

Số liệu thống kê do WHO công bố mới đây cũng chỉ ra rằng, số các ca nhiễm mới ở châu Âu đã giảm mạnh vào khoảng cuối tháng 2/2022 song đã có dấu hiệu gia tăng trở lại từ đầu tháng 3/2022. Theo WHO, hiện 18 trong số 53 quốc gia trong khu vực châu Âu vẫn đang ghi nhận sự gia tăng của số ca mắc COVID-19 mới.

Các nhà dịch tễ học cho rằng, sự gia tăng các ca mắc mới COVID-19 là do biến thể Omicron tàng hình dễ lây lan hơn khoảng 30%, song lại không nguy hiểm hơn so với những biến thể khác. 

Trong 7 ngày qua, các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Âu theo cách phân chia của WHO đã ghi nhận hơn 5,1 triệu ca mắc mới và 12.496 ca tử vong. Như vậy, số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ghi nhận được kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại châu Âu cho tới nay đã lên tới các con số lần lượt là hơn 194 triệu và 1,92 triệu.

Tuy nhiên, ông Kluge cũng lưu ý về "có một mật độ miễn dịch rất cao" chống lại virus do tỷ lệ tiêm chủng và các ca đã từng mắc COVID-19.

“Chúng ta sẽ phải sống chung với COVID-19 trong thời gian tới, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể thoát khỏi đại dịch” – chuyên gia của WHO khẳng định.

Trước thực tế trên, WHO đã phát thông điệp kêu gọi chính phủ các nước châu Âu tiếp tục bảo vệ các công dân dễ bị tổn thương, đồng thời thúc đẩy khả năng tiếp cận các loại thuốc kháng virus mới đối với nhiều quốc gia trong khu vực./.

T.Lan (Theo AFP, euronews)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN