Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

WHO kỷ niệm 75 năm thành lập: Lời kêu gọi đổi mới vì công bằng sức khỏe

Thứ Sáu, 07/04/2023 08:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thành lập (7/4/1948 – 7/4/2023), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát đi thông điệp nhằm kêu gọi đổi mới nỗ lực vì công bằng sức khỏe trước những mối đe dọa chưa từng có.

Những tiến bộ phi thường trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe con người

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus . (Ảnh: Reuters) 

Trong cuộc họp báo ngày 6/4, Tổng Giám đốc WHO – Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus nhắc lại, 75 năm về trước, sau giai đoạn chiến tranh, các nước trên thế giới đã đồng ý thành lập một tổ chức mới và "tranh luận để đi đến thống nhất tổ chức này sẽ là gì và làm gì trong một tài liệu gọi là Hiến pháp của Tổ chức Y tế Thế giới".

“Ngày 7/4 đánh dấu kỷ niệm 75 năm ngày Hiến pháp có hiệu lực. Nó đã và đang là một văn kiện mang tính bước ngoặt” – Tiến sĩ Ghebreyesus nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu WHO, trong những thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến những tiến bộ phi thường trong việc bảo vệ con người khỏi bệnh tật và sự tàn phá, bao gồm cả việc đẩy lùi bệnh đậu mùa, giảm 99% tỷ lệ mắc bệnh bại liệt, cứu sống hàng triệu người thông qua tiêm chủng cho trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, cải thiện sức khỏe cho hàng triệu người.

“Và trong ba năm qua, WHO đã điều phối phản ứng toàn cầu để chống lại đại dịch COVID-19 - cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ. Chúng tôi không thể khẳng định công lao duy nhất cho những thành tựu này, nhưng chúng tôi đã đóng vai trò đi đầu nhằm mang lại những thành tựu đó” – ông Ghebreyesus nói.

Bất chấp những thành tựu đã đạt được, người đứng đầu WHO cho rằng thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức cũ và mới, đặc biệt là tình trạng bất bình đẳng sâu sắc trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế; những lỗ hổng lớn trong việc phòng thủ trước các tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cùng các mối đe dọa từ các sản phẩm gây hại cho sức khỏe và khủng hoảng khí hậu.

Để giải quyết những thách thức này, WHO kêu gọi các quốc gia hành động khẩn cấp để bảo vệ, hỗ trợ và mở rộng lực lượng lao động y tế như một ưu tiên chiến lược. Để tránh tình trạng thiếu 10 triệu nhân viên y tế trên toàn cầu vào năm 2030, chủ yếu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, WHO khuyến nghị nên ưu tiên đầu tư vào giáo dục, kỹ năng và việc làm bền vững cho y tế.

Mới đây, WHO đã khởi xướng một chương trình giáo dục toàn cầu về chăm sóc cấp cứu cơ bản nhắm tới 25% y tá và nữ hộ sinh ở 25 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2025. Chương trình này sẽ cung cấp cho các y tá và nữ hộ sinh những kỹ năng và năng lực cần thiết để có thể tạo nên những khác biệt to lớn trong nỗ lực cứu lấy sinh mạng con người.

WHO viết tiếp câu chuyện sau 75 năm thành lập

Hình ảnh cổ động Chiến dịch lần thứ 75 của WHO. Ngày 7/4 cũng được gọi là Ngày Sức khỏe Thế giới. Ảnh: WHO 

Hướng tới 75 năm tiếp theo và đứng trước ngưỡng cửa của thế kỷ mới, một cam kết đổi mới về công bằng sức khỏe sẽ là chìa khóa để giải quyết các thách thức về sức khỏe trong tương lai. Trong bóng tối của đại dịch COVID-19, lộ trình phục hồi của WHO bao gồm một sự thay đổi mô hình khẩn cấp hướng tới tăng cường sức khỏe và hạnh phúc cũng như ngăn ngừa bệnh tật bằng cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ và tạo điều kiện cho sức khỏe phát triển. WHO đang kêu gọi các quốc gia cung cấp dịch vụ y tế bằng cách ưu tiên chăm sóc sức khỏe ban đầu, coi đây là nền tảng cho bảo hiểm y tế toàn cầu.

Đại dịch COVID-19 đã chỉ ra rằng bảo vệ sức khỏe là nền tảng cho nền kinh tế, xã hội, an ninh và sự ổn định của chúng ta. Rút kinh nghiệm từ đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây, WHO sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia trên thế giới khi họ đàm phán về các Hiệp định liên quan tới đại dịch, sửa đổi Điều lệ Y tế Quốc tế và các sáng kiến tài chính, quản trị và hoạt động khác để chuẩn bị tâm thế đối phó với các đại dịch trong tương lai.

"Câu chuyện của WHO đã bắt đầu từ 75 năm trước và vẫn đang được viết tiếp. Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngày nay rất khác so với những năm 1948, nhưng tầm nhìn của chúng ta vẫn không thay đổi, đó là tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể cho tất cả mọi người" - ông Ghebreyesus nhấn mạnh.

Trước thềm lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập WHO, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ, lịch sử của WHO cho thấy điều gì có thể xảy ra khi các quốc gia đoàn kết với nhau vì một mục tiêu chung.

Theo ông Ghebreyesus, chúng ta có nhiều điều để tự hào, nhưng còn nhiều việc phải làm để hiện thực hóa tầm nhìn sáng lập của chúng ta về tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể đạt được cho tất cả mọi người. Chúng ta chỉ có thể giải quyết những thách thức toàn cầu này bằng sự hợp tác toàn cầu./.

Thu Lan (Theo WHO, Xinhua)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN