WHO khuyến nghị tăng thuế đối với rượu và đồ uống có đường
(ĐCSVN) - Ngày 5/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị các quốc gia cần tăng thuế đối với các sản phẩm không tốt cho sức khỏe như rượu và đồ uống có đường (SSB) nhằm khuyến khích nhu cầu tiêu dùng lành mạnh.
Một cơ sở sản xuất bia tại Ruaraka ở thủ đô Nairobi của Kenya. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Các dữ liệu của WHO cũng cho thấy phần lớn các nước trên thế giới đang không sử dụng thuế như một công cụ để khuyến khích các hành vi tiêu thụ lành mạnh hơn của người dân.
Để chi tiết những biện pháp khuyến nghị, trong ngày 5/12, WHO đã phát hành sổ tay kỹ thuật hướng dẫn 194 quốc gia thành viên thực hiện chính sách đánh thuế và quản lý đồ uống có cồn. Theo lập luận của WHO, việc định giá tối thiểu, bao gồm thuế, có thể hạn chế tiêu thụ rượu giá rẻ, giảm số ca nhập viện, số ca tử vong, các vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông và các vụ phạm tội liên quan tới rượu. Bên cạnh đó, WHO cũng dẫn kết quả từ một cơ quan nghiên cứu uy tín chỉ ra rằng những người nghiện rượu thường có xu hướng sử dụng đồ uống có cồn giá rẻ nhất.
Theo số liệu thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,6 triệu người chết vì uống rượu, trong khi hơn 8 triệu người tử vong do chế độ ăn uống không lành mạnh. Theo đánh giá của WHO, việc áp dụng mức thuế phù hợp đối với rượu và SSB sẽ làm giảm số ca tử vong này.
Tuy nhiên, WHO cũng chỉ ra rằng, có đến một nửa số quốc gia đánh thuế SSB cũng đang áp dụng mức thuế đối với nước uống thông thường dù đây không phải là điều WHO khuyến nghị. Dù đang có tới 108 quốc gia trên thế giới đang đánh thuế một số loại SSB, nhưng xét trên phạm vi toàn cầu, thuế tiêu thụ đặc biệt trung bình, loại thuế được ấn định cho một sản phẩm tiêu dùng cụ thể, lại chỉ chiếm 6,6% giá nước ngọt.
Đã có ít nhất 148 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt trong nước đối với đồ uống có cồn. Song rượu vang lại được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt ở ít nhất 22 quốc gia, hầu hết là ở khu vực châu Âu. Trên toàn cầu, trung bình thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thương hiệu bia bán chạy nhất là 17,2%, trong khi mức thuế như vậy đối với thương hiệu rượu đắt khách nhất là 26,5%.
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy rằng thuế làm tăng giá rượu lên 50% sẽ giúp ngăn chặn hơn 21 triệu ca tử vong trong 50 năm và tạo ra doanh thu bổ sung gần 17 nghìn tỷ USD. Con số này tương đương với tổng doanh thu của 8 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong một năm.
Tiến sĩ Rűdiger Krech, Giám đốc Xúc tiến Y tế của WHO cho biết. “Việc đánh thuế các sản phẩm không lành mạnh sẽ tạo ra dân số khỏe mạnh hơn. Nó có tác động lan tỏa tích cực trên toàn xã hội - ít bệnh tật, suy nhược và mang lại doanh thu cho chính phủ để cung cấp dịch vụ công. Trong đó, việc đánh thuế rượu cũng giúp ngăn ngừa bạo lực và thương tích giao thông đường bộ”.
Vào năm 2017, một số nước như Litva đã tăng thuế rượu để giảm mức tiêu thụ đối với loại đồ uống này, dẫn tới việc giảm đáng kể số ca tử vong do các bệnh liên quan đến rượu. Cụ thể, quốc gia châu Âu đã tăng thu thuế rượu từ 234 triệu euro vào năm 2016 lên 323 triệu euro vào năm 2018 và chứng kiến số ca tử vong liên quan đến rượu giảm từ 23,4 trên 100.000 người vào năm 2016 xuống còn 18,1 trên 100.000 người vào năm 2018.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc đánh thuế rượu và SSB giúp giảm việc sử dụng các sản phẩm này và mang lại cho các công ty lý do để tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe hơn. Bên cạnh đó, việc đánh thuế các sản phẩm này còn giúp ngăn ngừa thương tích và các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tiểu đường và bệnh tim.
Một cuộc thăm dò gần đây của Gallup, được thực hiện với sự cộng tác của WHO và Bloomberg Philanthropies, cho thấy phần lớn người được khảo sát trên tất cả các quốc gia đều ủng hộ việc tăng thuế đối với các sản phẩm không lành mạnh như rượu và SBB./.