Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

WHO cảnh báo những thử thách vì đại dịch COVID-19 ở châu Âu

Thứ Tư, 20/07/2022 22:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 19/7, Văn phòng Khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về một "mùa thu và mùa đông đầy thử thách" trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng trong khu vực.

Ảnh minh họa: AFP 

Thông cáo báo chí do WHO công bố cùng ngày đã chỉ ra rằng, chỉ trong một tuần qua, gần 3 triệu trường hợp COVID-19 mới đã được báo cáo ở khu vực châu Âu, chiếm gần một nửa tổng số trường hợp mới được ghi nhận trên toàn thế giới.

“Rõ ràng là chúng ta đang ở trong một tình huống tương tự như mùa hè năm ngoái, chỉ khác là lần này làn sóng COVID-19 đang được thúc đẩy bởi các dòng phụ của biến thể Omicron, đặc biệt là BA.2 và BA.5, trong khi mỗi dòng phụ chiếm ưu thế này đang có những lợi thế lây truyền rõ ràng so với các loại virus đã lưu hành trước đây” - Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết trong thông cáo.

Theo số liệu thống kê của WHO, trung bình mỗi tuần có đến gần 3.000 người chết vì COVID-19 tại châu Âu. Trong khi tỷ lệ nhiễm bệnh đang tăng nhanh nhất ở những người già và những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. WHO dự đoán số các ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại châu Âu sẽ gia tăng đáng kể trong những tháng mùa thu và mùa đông sắp tới, nhất là khi các trường học mở cửa, mọi người trở lại sau kỳ nghỉ và các hoạt động giao tiếp xã hội được thực hiện trong nhà do thời tiết lạnh hơn.

Trước bối cảnh trên, ông Kluge cho biết WHO đã vạch ra một chiến lược vào mùa thu/đông để hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19 và các virus gây bệnh đường hô hấp khác. Những nỗ lực này được kỳ vọng là sẽ giúp nhiều nước chuẩn bị tốt hơn trước dự báo về những làn sóng dịch bệnh sắp tới.

Cụ thể, chiến lược mới được WHO ban hành kêu gọi các quốc gia trong khu vực tái khởi động các nỗ lực với 5 yếu tố trụ cột giúp ổn định đại dịch, bao gồm: Tăng lượng vaccine tương ứng; ưu tiên tiên liều vaccine tăng cường thứ hai; khuyến khích sử dụng khẩu trang nơi công cộng; tăng cường thông gió ở tất cả các khu vực công cộng; cuối cùng là áp dụng các phác đồ điều trị nghiêm ngặt cho những người có nguy cơ mắc bệnh nặng. Mục tiêu chung của chiến lược là kêu gọi các quốc gia khởi động lại các nỗ lực giảm thiểu tác động của dịch bệnh và chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống hệ thống chăm sóc sức khỏe bị gia tăng áp lực.

Trong nhiều tuần qua, châu Âu là khu vực chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và nhiều lần dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm tính theo ngày. Theo số liệu thống kê trên worldometers.info, tính tới trưa 20/7, lục địa già ghi nhận hơn 211 triệu ca nhiễm COVID-19, với hơn 1,8 triệu ca tử vong./.

T.Lan (Theo aa.com.tr, Xinhua)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN