Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

WHO cảnh báo nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ lây lan mạnh vào mùa Hè

Thứ Tư, 01/06/2022 14:51 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 31/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định quyết tâm kiềm chế bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ bằng cách chặn hết mức có thể sự lây nhiễm từ người sang người. Tổ chức này cũng cảnh báo nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ lây lan mạnh tại châu Âu và nhiều nơi khác trong mùa Hè này đang ở mức cao.

 Những vết mụn đỏ trên bàn tay của một em nhỏ mắc bệnh đậu mùa khỉ.
(Ảnh: Reuters/TTXVN)

Tuyên bố của WHO nêu rõ châu Âu hiện vẫn là tâm điểm của đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lớn nhất và lan rộng nhất về mặt địa lý được ghi nhận từ trước đến nay bên ngoài các khu vực mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu ở Tây và Trung Phi.

Để ứng phó với số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ gia tăng ở châu Âu trong 2 tuần qua, Giám đốc của WHO tại khu vực này - ông Hans Kluge đã chỉ ra các bước cần thiết để nhanh chóng tìm hiểu và kiểm soát tình hình. 

Theo phân tích của ông Kluge, hiện tượng tụ tập đông người tại một số nơi trong khu vực đã khiến bệnh đậu mùa khỉ lây lan rộng. Trong những tháng tới, nhiều sự kiện lễ hội và bữa tiệc lớn được lên kế hoạch tổ chức sẽ càng làm khuếch đại nguy cơ lây lan của căn bệnh này.

"Khả năng bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục lan rộng không chỉ ở châu Âu mà còn những nơi khác vào mùa Hè này là rất cao” – chuyên gia của WHO dự báo.

“Mục tiêu của WHO là kiềm chế đợt bùng phát hiện nay bằng cách ngăn chặn hiện tượng lây bệnh từ người sang người ở mức tối đa có thể” – ông Kluge nói, đồng thời kêu gọi các nỗ lực giúp nâng cao nhận thức về bệnh đậu mùa khỉ và chia sẻ thông tin về cách thức giảm nguy cơ phơi nhiễm.

Bên cạnh đó, chuyên gia của WHO cũng chỉ ra rằng, việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 là không cần thiết đối với căn bệnh đậu mùa khỉ đang lưu hành ở châu Âu, bởi cách lây lan của virus là không như nhau. Điều quan trọng là chúng ta vẫn chưa biết liệu chúng ta có thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của căn bệnh đậu mùa khỉ hay không. Vì lẽ đó, chúng ta cần giảm đáng kể và khẩn cấp sự phơi nhiễm thông qua việc truyền thông rõ ràng, hành động cộng đồng, cách ly các ca bệnh trong giai đoạn lây nhiễm, theo dõi và truy vết tiếp xúc hiệu quả.

Theo ông Kluge, hiện chúng ta vẫn chưa biết liệu virus bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể lây lan từ người này sang người khác qua tinh dịch hoặc dịch âm đạo, cũng như liệu virus có thể tồn tại trong các chất dịch cơ thể này trong thời gian dài hơn hay không. Chúng ta đều biết rằng, hầu hết các ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ sẽ gặp những triệu chứng nhẹ, tuy nhiên, hiện tượng khó chịu và khả năng gây đau đớn cũng có thể kéo dài đến vài tuần.

“Chúng tôi vẫn chưa biết bệnh đậu mùa khỉ sẽ tác động như thế nào đến sức khỏe ở những người nguy cơ gặp phải những hậu quả nghiêm trọng do bệnh đậu khỉ, đặc biệt là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người bị suy giảm miễn dịch” – ông Kluge lưu ý.

Từ những lập luận trên, ông Kluge kêu gọi các nước “tăng cường phối hợp và hình thành các cơ chế chia sẻ thông tin, tăng cường giám sát và liên lạc cộng đồng để ngăn chặn thông tin sai lệch phát tán trên mạng hay các nguồn khác, dẫn đến các kết quả tiêu cực đối với sức khỏe cộng đồng". 

Theo ông Kluge, những kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 đã cho thấy chúng ta cần được trang bị thông tin tốt hơn để mở đường cho các hành động trong tương lai. Điều mà chúng ta cần làm đó là hãy tập hợp chính phủ, xã hội dân sự và các đối tác y tế xích lại cùng nhau giải quyết thách thức sức khỏe cộng đồng này một cách dứt khoát và hiệu quả, dựa trên nền tảng khoa học và y học, cũng như tinh thần của sự tôn trọng và lòng trắc ẩn.

Theo Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA), tính đến ngày 31/5, nước này đã ghi nhận 190 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ kể từ khi ca mắc đầu tiên được xác nhận từ ngày 7/5. UKHSA khẳng định nguy cơ đối với người dân Anh vẫn ở mức thấp, song cơ quan này kêu gọi người dân cảnh giác trước các hiện tượng phát ban hoặc tổn thương mới xuất hiện trên cơ thể như đốm, các vết loét hoặc mụn nước ở các bộ phận trên cơ thể./.

T.Lan (Theo WHO, Xinhua)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN