WHO: Biến thể Delta đe dọa những thành tựu chống dịch của thế giới
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu, các thành tựu khó khăn đang bị đe dọa hoặc đã bị mất, hệ thống y tế tại nhiều quốc gia đang bị quá tải vì biến thể Delta.
Theo các nhà nghiên cứu một giải pháp giúp có thể kiểm soát được quá trình lây nhiễm là tiêm vaccine phòng ngừa. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/7 cảnh báo thế giới đang đối mặt với nguy cơ đánh mất những thành tựu rất khó khăn mới giành được trong cuộc chiến chống COVID-19 do sự lây lan của biến thể Delta, nhưng khẳng định các loại vaccine do WHO phê duyệt vẫn hiệu quả đối với dịch bệnh.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu, số ca mắc COVID-19 đã tăng 80% trong 4 tuần qua tại hầu hết các khu vực trên thế giới. Số ca tử vong tại châu Phi - nơi mới có 1,5% dân số được tiêm ngừa - đã tăng 80% trong cùng giai đoạn.
Ông Tedros nói: “Các thành tựu khó khăn đang bị đe dọa hoặc đã bị mất, hệ thống y tế tại nhiều quốc gia đang bị quá tải."
WHO cho biết biến thể Delta đã được phát hiện tại 132 quốc gia, trở thành chủng virus SARS-CoV-2 phổ biến trên toàn cầu.
Tuy nhiên, theo Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, các vaccine được cơ quan này phê duyệt vẫn tạo ra “sự bảo vệ đáng kể đối với khả năng bệnh trở nặng hoặc phải nhập viện do tất cả các biến thể gây ra, kể cả biến thể Delta."
Chuyên gia của WHO về COVID-19, bà Maria van Kerkhove, cho biết biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với các biến thể đầu tiên của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Trung Quốc cuối năm 2019.
Chuyên gia này cũng lưu ý một số nước đã ghi nhận tỷ lệ nhập viện cao hơn nhưng chưa có số liệu cho thấy biến thể Delta gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn ở các ca nhiễm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo biến thể Delta dễ lây nhiễm như bệnh thủy đậu.
Trong khi đó, Viện sỹ Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, GS.TS. BS Alexander Chuchalin, Trưởng Bộ môn Nội tổng hợp Đại học Nghiên cứu Y khoa Quốc gia Nga Pirogov (Đại học Y 2 Moskva) cho rằng như một quy luật sinh học, các chủng virus xuất hiện sau sẽ càng có khả năng lây nhiễm cao và nguy hiểm hơn đối với sức khỏe và tính mạng con người.
Ông khẳng định hiện trên thế giới chỉ có một giải pháp giúp có thể kiểm soát được quá trình lây nhiễm là tiêm vaccine phòng ngừa.
GS. Chuchalin cho biết tiêm vaccine không hề đảm bảo 100% là người được tiêm sẽ không mắc bệnh nữa song những người đã được tiêm vaccine nếu có mắc thì bệnh cũng không phát triển đến mức trầm trọng, tức là hoàn toàn bảo vệ được tính mạng.
Theo GS. Chuchalin, trong bối cảnh virus corona liên lục phát triển, xuất hiện ngày càng nhiều biến chủng mới, cần có ý tưởng vaccine mới để điều trị COVID-19.
GS. Chuchalin khẳng định hiện các nhà khoa học trên thế giới đang nghiên cứu để phát triển các thế hệ vaccine mới.
Theo ông, có nhiều dạng miễn dịch khác nhau ở con người, dạng thứ nhất là con người sinh ra kháng thể chống virus, dạng miễn dịch thứ hai là bản thân con người tự phát triển và tự có được khả năng miễn dịch, và dạng thứ 3 là miễn dịch niêm mạc, nghĩa là các niêm mạc sinh ra chất nhầy có thể chống virus.
GS. Chuchalin khẳng định hiện một số nhà khoa học trên thế giới đang đi theo phương thức miễn dịch thứ 3 này để điều chế ra vaccine mới.
Cũng theo GS. Chuchalin, cần có một biện pháp tổng thể để phục hồi cho những bệnh nhân sau mắc COVID-19 vì nhu cầu phục hồi sau COVID-19 sẽ ngày càng tăng lên trong bối cảnh các làn sóng dịch bệnh hiện nay./.