LTS: Năm 2020 khép lại trong bối cảnh đặc biệt khó khăn, song vượt lên chính mình, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu với kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Thành phố không chỉ là điểm sáng của cả nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, mà phát triển kinh tế - xã hội là một điểm nhấn rất quan trọng khi đạt mức tăng trưởng kinh tế cao gấp 1,4 lần cả nước. Đặc biệt, Hà Nội đã để lại ấn tượng vô cùng mạnh mẽ đối với người dân cả nước ở tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” được tỏa sáng...
Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có loạt bài phản ánh với chủ đề “Vững tay chèo, vượt sóng cả”
(ĐCSVN) - Năm 2020, vượt qua những khó khăn, thách thức, Hà Nội đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế bằng sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân Thủ đô. Hà Nội đã thành công khi “biến thách thức thành cơ hội" để phát triển.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội trên thế giới và ở nước ta. Là địa phương chịu tác động nặng nề nhất, có nhiều ổ dịch nhất, nhiều ca nhiễm bệnh nhất cả nước, đối diện với kẻ thù vô hình dễ lây, khó phòng nhưng Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố (TP) Hà Nội đã chung tay, chung sức, đoàn kết một lòng để tham gia phòng chống dịch COVID-19 với mục tiêu quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, đưa Thủ đô vững vàng vượt qua thử thách chưa có tiền lệ. Bằng sự cố gắng, đồng lòng, đại dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội cơ bản được kiểm soát tốt. Từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội ghi nhận 173 trường hợp mắc COVID-19, không có trường hợp tử vong. Ðáng lưu ý, từ ngày 17/8 đến nay, TP không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.
Năm 2020, TP Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ, linh hoạt, hiệu quả để phát triển kinh tế góp phần làm cho diện mạo của Thủ đô ngày càng khang trang hơn |
Cùng với phòng, chống dịch bệnh, TP đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ, linh hoạt, hiệu quả để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Ngay từ đầu năm 2020, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND TP sớm nắm bắt, dự báo diễn biến tình hình dịch bệnh để xây dựng các kịch bản tăng trưởng phù hợp. Thường trực Thành ủy đã chủ trì, làm việc với Đảng Khối Doanh nghiệp TP và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để tìm giải pháp vượt qua khó khăn, thích ứng với dịch COVID-19; làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND TP chuyên đề về điều hành thu, chi ngân sách; về phát triển sản xuất nông nghiệp để vực dậy quyết tâm tăng trưởng ngành này phải trên 4% trong năm 2020 để nông nghiệp phải là trụ đỡ của nền kinh tế và trong khó khăn do tác động của dịch bệnh theo phương châm “ngoại thành phải chi viện cho nội thành, nội thành phải cố gắng với mức cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao”,... Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đã chủ trì làm việc với một số quận, huyện để cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội…
Quyết tâm này lại càng thể hiện rõ tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với UBND TP vào tháng 3/2020, về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó, tập trung đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 tới sự phát triển kinh tế - xã hội của TP và các giải pháp để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2020. Kết luận buổi làm việc này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã khẳng định quyết tâm sẽ không điều chỉnh các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trong năm 2020. “Và để làm được điều này, Thường trực Thành ủy yêu cầu cả hệ thống chính trị TP phải cùng vào cuộc, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch bệnh COVID-19” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh như vậy.
Đặc biệt, với quyết tâm tiên phong trên mặt trận phòng, chống dịch COVID-19 và mặt trận phục hồi, phát triển kinh tế, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngày 27/6, Hà Nội đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - hợp tác và phát triển”. Hội nghị đã thu hút 540 doanh nghiệp, 2.000 đại biểu trong và ngoài nước tham dự. Và ngay tại hội nghị, Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án với số vốn trên 400 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng gấp 5 và 11 lần về số dự án và số vốn thu hút so với Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016. TP cũng cùng các nhà đầu tư ký 36 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư là 28,6 tỷ USD. Và quyết tâm này đã được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đánh giá: “Đây là hội nghị quy mô lớn, chưa từng có trong bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, thể hiện ý chí, bản lĩnh của lãnh đạo TP và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội”.
Khép lại năm 2020, với một loạt các biện pháp đồng bộ và sự cố gắng không mệt mỏi, dù trong khó khăn do tác động của dịch COVID-19, song Hà Nội đã hoàn thành đạt và vượt 16/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có những chỉ tiêu tưởng chừng không thể hoàn thành như: tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, kiềm chế lạm phát...
Mặc dù là lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19, khi lượng khách du lịch đến Thủ đô giảm 70% so với năm 2019, nhưng tính chung cả ngành dịch vụ của TP trong năm 2020 vẫn tăng 3,1%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 2,7%, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng hơn 10% so với cùng kỳ...
Ngành công nghiệp và xây dựng cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng, tính chung cả năm 2020, ước tăng 6,76% và đóng góp 1,51 điểm % tốc độ tăng GRDP chung của toàn TP. Đáng chú ý, trong khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Hà Nội ước tăng 4,45% so với năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng 4,3% và chiếm trên 90% trong cơ cấu ngành công nghiệp; xuất khẩu cũng tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019...
Từ nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kinh tế Thủ đô đã “bật tăng” trở lại theo hình chữ “V”. Cụ thể, trong quý I, GRDP TP tăng 4,43%; quý II là quý chịu tác động nặng nhất của dịch COVID-19, nên tăng 2,41%; quý III phục hồi tăng trưởng đạt 3,31% và quý IV tăng trưởng mạnh, đạt 5,77%. Tính chung GRDP của TP cả năm 2020 ước tăng 3,98% - cao gấp 1,4 lần mức tăng của cả nước. Cùng với tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách là một chỉ tiêu được xác định khó hoàn thành. Song, với sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, khai thác tốt những khoản thu bền vững, Hà Nội đã “cán đích” thu ngân sách cả năm với 286.258 tỷ đồng, bằng 102,7% dự toán và tăng 6% so với năm 2019 - năm thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay. Nếu tính cả số thu ngân sách trên địa bàn do Cục Thuế TP quản lý thì tổng thu ngân sách trên địa bàn TP có thể đạt trên 340 nghìn tỷ đồng.
Nhờ thu ngân sách của Hà Nội giữ được tốc độ tăng trưởng khá, nên TP có nguồn lực để đảm bảo các nhiệm vụ chi, nhất là chi đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19. Trong năm 2020, tổng chi ngân sách trên địa bàn TP ước thực hiện 87.461,9 tỷ đồng (đạt 91,5% so với dự toán sau điều chỉnh, cắt giảm). Trong đó, TP thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho chi đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2020, TP còn đạt được tỷ lệ vốn đầu tư phát triển đến 49%, chi thường xuyên chỉ còn 51%, tiết kiệm được 3.000 tỷ đồng chi thường xuyên tiếp tục dành cho đầu tư phát triển.
Quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kinh tế Thủ đô đã “bật tăng” trở lại theo hình chữ “V” . Hà Nội không chỉ là điểm sáng của cả nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, mà phát triển kinh tế - xã hội là một điểm nhấn rất quan trọng khi đạt mức tăng trưởng kinh tế cao gấp 1,4 lần cả nước |
Phân tích về kết quả thu ngân sách nhà nước cũng như cơ cấu nguồn thu của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá: Năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ 2015-2020, trong bối cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hà Nội vẫn có sự ổn định và vững chắc về kinh tế, trong đó, có lĩnh vực tài chính - ngân sách. Điều này cho thấy nỗ lực rất lớn của đầu tàu kinh tế, khi đóng góp khoảng 17% tổng thu ngân sách nhà nước, riêng thu nội địa chiếm 21% tổng thu nội địa của cả nước.
Nội dung: Thu Hà; Trình bày: Phạm Cường
Bài 2: Thành công từ sự chung sức, đồng lòng
Bài 3: Kéo dài “nhiều năm”, giải quyết “trong năm”
Bài 4: Tỏa sáng tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”
Bài 5: Vững tin đón vận hội mới