Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vùng Đông Nam Bộ cần phát huy tối đa các nguồn lực

Thứ Tư, 31/07/2024 22:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá, vùng Đông Nam Bộ cần phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV)

Ngày 31-7, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu Vùng Đông Nam Bộ. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tham dự Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP cả Vùng ước đạt 5,06%, cao hơn mức tăng 5,05% của cả nước; thu hút 11.390 triệu USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 31,1% vốn FDI của cả nền kinh tế. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng năm 2023 đạt 220,5 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hàng hóa xuất khẩu của Vùng đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng của Vùng có sự phát triển rõ nét, phản ánh qua tiến độ xây dựng hàng loạt các dự án quan trọng như: Sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc; việc thúc đẩy các dự án lớn như Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu (khu Cái Mép - Thị Vải)… Kết quả trên cho thấy khí thế mới, cách làm mới, tư duy, phương pháp luận mới và cách tổ chức thực hiện mới của Vùng.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định Đông Nam bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước. Nhận thức được tầm quan trọng về vị trí, vai trò của vùng, do vậy nhiệm vụ liên kết Vùng Đông Nam bộ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là một trong những ưu tiên hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực. Để thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả, các địa phương trong vùng cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng, xây dựng các cơ chế hợp tác chặt chẽ, nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, mặc dù chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng Vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy vậy, Vùng đang đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có những vấn đề như: Tốc độ phát triển của Vùng thời gian qua chưa tương xứng so với tiềm năng; đóng góp của Vùng trong GDP cả nước đang có xu hướng giảm, trong khi các tiềm năng dư địa, lợi thế còn đang rất nhiều, chưa khai thác hết; công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm. Phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý; mối quan hệ Vùng và liên kết Vùng trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu còn chưa được quan tâm thỏa đáng.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của Vùng; đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra trong phát triển vùng Đông Nam Bộ, cần phải có hàng loạt các giải pháp, bao gồm các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp. Đặc biệt, Vùng Đông Nam Bộ cần phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.

Tại Hội nghị, các diễn giả đến từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài… và các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp đã tập trung trao đổi, bàn thảo các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô vùng, có tính liên kết chặt chẽ với các hoạt động xúc tiến thương mại khu vực và quốc gia. Cùng với đó, tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp xuất khẩu của vùng, liên kết xúc tiến thương mại quy mô vùng, phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng.

Đồng thời, đưa ra các giải pháp, khuyến nghị tăng cường sự tham gia phối hợp của các doanh nghiệp đầu mối thu mua, phân phối, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử trong việc phân phối xuất khẩu các sản phẩm Vùng Đông Nam bộ... Qua đó, góp phần nâng cao thương hiệu hàng hóa xuất khẩu, đưa các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tham gia sâu và hiệu quả vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, các cơ quan thuộc Bộ Công Thương đã chia sẻ các thông tin thị trường, xu hướng thương mại quốc tế, cơ hội xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết, cũng như tận dụng các cơ hội thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại…

CM

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN