Vùng căn cứ cách mạng Kbang xây dựng nông thôn mới
(ĐCSVN) - Là vùng căn cứ cách mạng, một trong 5 địa phương của cả nước được Trung ương chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ huyện Kbang (Gia Lai) đã ban hành nghị quyết tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra.
Theo đó, từ khi phát động, phong trào thi đua “Kbang chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” đã trở thành phong trào rộng khắp, thu hút mọi tầng lớp nhân dân trong huyện tham gia. Với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đồng bào các dân tộc Kbang đã chủ động học hỏi, áp dụng những phương thức sản xuất mới, cho hiệu quả kinh tế cao, chủ động hiến đất, góp ngày công, kinh phí xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn.
Nhờ vậy mà chỉ sau vài năm, bộ mặt nông thôn ở Kbang đã có nhiều khởi sắc. Toàn huyện đã nhựa hóa và bê-tông hóa trên 50 km đường giao thông nông thôn, kiên cố trên 32 km kênh mương, 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia, 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Hàng trăm hộ dân đã tình nguyện hiến, hoán đổi trên 30 nghìn m2 đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi.
Bên cạnh đó là hàng loạt các mô hình kinh tế ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho người dân. Đó là mô hình cánh đồng mẫu lớn chuyên canh mía, là mô hình cây cao su tiểu điền, cây dược liệu dưới tán rừng, mô hình cải tạo đất chua phèn, mô hình nuôi cá tầm thương phẩm, nuôi cá lồng bè khai thác tiềm năng, lợi thế mặt nước các hồ thủy điện…
Cánh đồng mía mẫu lớn là một trong những mô hình kinh tế
cho hiệu quả rõ rệt ở Kbang - Ảnh: Hồng Thi
Nếu như vào đầu nhiệm kỳ Đại hội VII, thu nhập bình quân đầu người ở Kbang năm 2010 chỉ đạt hơn 8 triệu đồng/người/năm thì đến cuối nhiệm kỳ, nhờ hàng loạt các giải pháp đúng hướng được áp dụng, thu nhập bình quân của người dân đã tăng lên gấp gần 3 lần đạt gần 23 triệu đồng vào năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo còn 26,77%, giảm 18,31% so với năm 2011. Toàn huyện có 1 xã cán đích nông thôn mới, 1 xã đạt 15 tiêu chí; 6 xã đạt từ 10 đến 13 tiêu chí và 5 xã còn lại đạt từ 7 đến 9 tiêu chí.
Là huyện vùng sâu, vùng xa, xuất phát điểm thấp nên những kết quả trên đây thực sự có ý nghĩa đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Kbang trong thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, với tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao so với mặt bằng chung và cũng như nhiều địa phương khác, Kbang cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề như nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn ít, còn thiếu những mô hình phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Vì thế nên để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện về đích đúng tiến độ, bên cạnh đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2015-2020) đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm và đề ra các nhóm giải pháp như: thực hiện tốt phương châm “phát huy vai trò chủ thể và dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư nông thôn, mọi công việc cụ thể phải do chính cộng đồng dân cư ở thôn, làng, xã bàn bạc để quyết định và tổ chức thực hiện”.
Phân công cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của từng ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, thành viên ban chỉ đạo cấp huyện, ban quản lý cấp xã và ban phát triển ở các thôn, làng trong xây dựng nông thôn mới; riêng với đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia vận động, hướng dẫn người dân được tập huấn, đào tạo thường xuyên.
Kbang xác định có bước đi hợp lý cho từng mục tiêu, từng tiêu chí nông thôn mới. Bởi có tiêu chí cần nhiều tiền, cần nhiều kinh phí đầu tư; có tiêu chí cần ít tiền, có tiêu chí chỉ cần tự giác, tự nguyện và sự chung sức của cộng đồng là có thể thực hiện được.
Cùng với đó, khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới tiếp tục được huyện xác định đó là đầu tư xây dựng đường giao thông và tổ chức sản xuất tăng thu nhập, giảm nghèo. Để cụ thể hóa, Kbang tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, liên thôn, liên xã, giao thông nội đồng; kết nối giữa vùng sản xuất với vùng tiêu thụ, phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ.
Đồng thời, phát triển, nhân rộng một số mô hình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, ngành nghề trên địa bàn phù hợp với phong tục, trình độ của người dân. Vận động để người dân học nghề, nâng cao tay nghề, khuyến khích phát triển các ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn một cách hợp lý.
Với quyết tâm làm đến đâu hiệu quả đến đó, càng làm càng tạo ra động lực, càng tập hợp được lòng dân, mục tiêu trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 ở vùng căn cứ cách mạng KBang chắc chắn sẽ về đích đúng kế hoạch đã đề ra.