Vui buồn du lịch Hưng Yên
(ĐCSVN) - Ít người biết rằng, Hưng Yên là địa phương đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng di tích, cụm di tích được xếp hạng quốc gia. Độc đáo hơn, điểm trung tâm của đồng bằng Bắc bộ, theo sách Địa chí tỉnh Hưng Yên, nằm ở một ngôi làng nhỏ thơ mộng sở hữu cây đề nghìn tuổi tại Hưng Yên... Tiềm năng lớn nhưng hiện nay du lịch Hưng Yên đang “thua chị, kém em”...
Đứng cuối khu vực đồng bằng sông Hồng
Không nhà vệ sinh công cộng; có di tích quốc gia, khách du lịch đến phải chờ khá lâu mới có người mở cửa; thiếu thông tin giới thiệu trực quan về di tích; không đồ lưu niệm đậm chất Phố Hiến… Đây là câu chuyện đang diễn ra ở Khu Di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Và điểm du lịch này không phải là nơi hiếm hoi của Hưng Yên đang “đón” khách du lịch như thế. Sẽ nhiều người bảo, việc nhỏ nhặt, không có quy định nào yêu cầu bắt buộc những điều đó... Cách nói này không sai nhưng có lẽ là một trong những minh chứng cho tư duy làm du lịch đã góp phần khiến du lịch Hưng Yên gần “đội sổ” về xếp hạng du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Du lịch Hưng Yên từ khi tái lập tỉnh đến nay đã có mức tăng trung bình khoảng 35% mỗi năm. Năm 2005, Hưng Yên đón 23.000 lượt khách, năm 2010 đạt 160.000 lượt khách và đến năm 2016 đạt 700.000 lượt khách. Tổng thu từ du lịch năm 2005 đạt 21 tỉ đồng, năm 2010 đạt 90 tỉ đồng và đến năm 2016 đạt 445 tỉ đồng.
Chùa Chuông (thành phố Hưng Yên) Ảnh tư liệu
Tuy nhiên bức tranh du lịch Hưng Yên còn rất mờ nhạt so với toàn cảnh khu vực cũng như quốc gia, chưa xứng với tiềm năng sẵn có, đóng góp của du lịch trong phát triển kinh tế của tỉnh còn hết sức èo uột. Tỉ trọng khách trong ngày chiếm gần 70% tổng lượng khách. Khách nội địa chiếm đến 97,5% lượng khách, đến Hưng Yên chủ yếu với mục đích công tác, thương mại, làm ăn..
Gần đây khách du lịch tâm linh đến nhiều vào mùa lễ hội, tham dự các lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian vùng Phố Hiến và một số hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí được tổ chức quy mô lớn tại Khu đô thị Ecopark (Văn Giang)... Nhưng thời gian lưu trú của khách ngắn, mức chi tiêu thấp. Cả tỉnh có 235 cơ sở lưu trú thì chỉ có 11 cơ sở 2 sao, 17 cơ sở 1 sao. Công suất sử dụng buồng trung bình mới đạt 50%...
Sản phẩm du lịch của Hưng Yên vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có, ít được đầu tư nghiên cứu. Nguồn nhân lực cho du lịch địa phương còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Du lịch Hưng Yên hiện có tỉ lệ lao động trực tiếp cho 1 buồng lưu trú là 1,14 người, thấp hơn mức tiêu chuẩn là 1,5 người/buồng. Hưng Yên hầu như thiếu vắng doanh nghiệp lớn đầu tư vào các dự án du lịch lớn...
Anh Nguyễn Văn Thụy, hướng dẫn viên du lịch đã dẫn nhiều đoàn khách nước ngoài đến Hưng Yên cho biết, khách du lịch đến Hưng Yên phàn nàn, du lịch ở đây thiếu thông tin và tuyến điểm khám phá. Các điểm di tích chỉ nửa ngày là xong, muốn đi vui chơi, mua sắm nhưng tìm mỏi mắt cũng không có được điểm đáp ứng nhu cầu du khách. Sản phẩm du lịch nghèo nàn. Không có việc gì để chơi, để trải nghiệm, để tiêu tốn thời gian. Dịch vụ về đêm gần như không có gì, chẳng biết đi chơi đâu...
Thừa tiềm năng, thiếu điều gì?
Ở Mễ Sở (Văn Giang) hiện có một ngôi nhà cổ rất nổi tiếng đối với dân du lịch, nhất là “khách Tây” trong thời gian qua. Nhờ khai thác một loại hình du lịch còn rất hiếm hoi ở Hưng Yên: du lịch trải nghiệm.
Trung bình mỗi tháng ngôi nhà cổ này đón từ 5 - 10 đoàn khách. Những vị khách nước ngoài đến đây tỏ ra vô cùng hào hứng khi được trải nghiệm những giá trị truyền thống, được tìm hiểu không gian sinh hoạt và kiến trúc đặc trưng của ngôi nhà cổ của người Việt xưa. Tại đây, du khách được hóa thân thành người nông dân Việt Nam thực thụ, tự tay làm và thưởng thức những món ăn thuần Việt do gia chủ chuẩn bị nguyên liệu…
Hưng Yên cũng còn một số ngôi nhà cổ độc đáo không kém, gìn giữ hầu như nguyên vẹn giá trị truyền thống của làng quê Việt Nam xưa, nhưng họa hoằn mới có khách du lịch như: nhà cổ ở Đình Cao (Phù Cừ), Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên)... Vì sao lại như vậy? Tự câu hỏi đã có câu trả lời.
Tiềm năng du lịch của Hưng Yên khỏi phải bàn. Hưng Yên nằm ở vị trí trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ thủ đô Hà Nội. Quá trình hình thành và phát triển để lại cho vùng đất “Tiểu Tràng An” tài sản vô cùng quý giá là những di tích lịch sử văn hoá, lễ hội đặc sắc, làng nghề thủ công truyền thống...Với hơn 1200 di tích, cụm di tích, trong đó, 161 di tích, cụm di tích quốc gia, đưa Hưng Yên trở thành địa phương đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng di tích, cụm di tích được xếp hạng quốc gia.
Đền Mẫu (thành phố Hưng Yên) Ảnh tư liệu
Hưng Yên còn nổi danh là “Vùng đất của lễ hội” với 400 lễ hội truyền thống đặc sắc mỗi năm, có những lễ hội thuộc hàng lớn nhất cả nước như lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung... cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thế độc đáo, đặc sản ẩm thực lừng danh...Tuy vậy, tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho rằng, hoạt động du lịch ở Hưng Yên chưa xứng tầm với tiềm năng vốn có. Hưng Yên đã có những quy hoạch, nghị quyết và chỉ thị về phát triển du lịch. Cơ quan quản lý ngoài nói đến tiềm năng còn cần nhìn thẳng vào sự thật, nhìn vào sự hạn chế để tìm giải pháp hữu hiệu...
Mới đây, Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên đã được HĐND tỉnh thông qua, trong đó xác định Khu du lịch quốc gia Phố Hiến kết hợp sinh thái sông Hồng sẽ là sản phẩm du lịch đặc trưng, định vị thương hiệu du lịch Hưng Yên và đặt ra mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Phấn đấu đến năm 2020, Hưng Yên đón khoảng 1,5 - 2 triệu lượt khách, trong đó có 25 - 30 nghìn lượt khách quốc tế. Về nguồn thu từ du lịch, phấn đấu đến năm 2020 đạt 1.300 - 2.000 tỉ đồng/năm. Đến năm 2025 đạt 3.100 - 4.000 tỉ đồng/năm...
Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Phố Hiến- Hưng Yên được xác định là một trong 8 Điểm du lịch Quốc gia. Cùng với định hướng sẽ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những điều Hưng Yên cần phải làm sẽ trả lời cho trăn trở “thừa tiềm năng, thiếu … điều gì?” và mong đợi của xã hội về sự “cất cánh” của du lịch xứ Nhãn…
Ông Phạm Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Sở đã tham mưu với UBND tỉnh về Kế hoạch phát triển Du lịch tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch: Tổ chức quy hoạch, hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách đầu tư phát triển du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch; Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; Đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch các cấp; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch.../.