Vũ điệu Tắc Xình của người Sán Chay
(ĐCSVN) – Điệu múa Tắc Xình – vũ điệu dân gian của dân tộc Sán Chay, tỉnh Thái Nguyên luôn có sức hấp dẫn không chỉ với đồng bào, mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều dân tộc anh em khác sinh sống trên vùng cao phía Bắc.
Múa Tắc Xình (Múa Cầu mùa) của người Sán Chay, thể hiện ước nguyện của đồng bào về một năm mới tiết trời thuận lợi, muôn loài sinh sôi, lúa ngô được mùa, bản làng bình yên, hạnh phúc. Đồng thời điệu múa dân gian thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.
Điệu dân múa dân gian được đồng bào dân tộc Sán Chay sử dụng trong các dịp lễ hội lớn, quan trọng của cộng đồng, đặc biệt là trong lễ hội Cầu Mùa tổ chức vào dịp cuối năm. Điệu múa Tắc Xình hội tụ đủ các yếu tố của trình thức biểu diễn dân gian, được cộng đồng người Sán Chay lưu truyền, bảo tồn qua nhiều thế hệ, đã trở thành một di sản phi vật thể đặc sắc cấp quốc gia của tỉnh Thái Nguyên.
Hình tượng gieo mầm vụ mùa mới trong điệu múa cổ. |
Theo nghệ nhân La Như Ý (Phú Lương -Thái Nguyên): Múa Tắc Xình có giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, gắn bó mật thiết với đời sống người Sán Chay, được các nghệ nhân lưu truyền bằng hình thức truyền miệng và truyền dạy trực tiếp, cho nên đến nay, các động tác múa vẫn mang tính thống nhất, ít dị bản. Còn theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, điệu múa Tắc Xình có chín điệu cơ bản gồm: Thăm đường, lập làng, bắt quyết, mài dao, phát nương dọn rẫy, tra mố, hái lượm, mừng mùa vụ và chim câu.
Âm nhạc trong điệu có tiết tấu đơn giản, nguyên sơ, không pha tạp các tiết tấu âm nhạc hiện đại. Chỉ với tiếng nhạc “tắc, xình” phát ra từ những nhạc cụ thô sơ từ tre, nứa...và những động tác múa như điệu đánh mài dao, phát nương, dọn rẫy, tra mố, hái lượm... Ngôn ngữ trong điệu Múa Tắc Xình đơn giản, dễ thực hành, người học dễ nhớ, có tính cộng đồng cao. Ẩn chứa trong vũ điệu của người Sán Chay là triết lý, tín ngưỡng, những sắc màu văn hoá tâm linh.
Khi trình diễn các thanh niên nam nữ người Sán Chay hoà mình trong từng điệu múa, lời ca gợi đưa người xem về một không gian săn bắn, không gian làm rẫy, giữ làng, giữ nước của người Sán Chay.
Các nam nữ thanh niên người Sán Chay trình diễn điệu múa Tắc Xình. |
Nhạc cụ sử dụng trong vũ điệu dân gian gồm trống, kèn và gõ những ống nứa to nhỏ, dài ngắn khác nhau tạo ra những âm thanh lúc khoan lúc nhặt giữ nhịp cho điệu nhảy. Khi múa đem lại sự vui nhộn, ấm áp khiến tình nghĩa bản làng thêm gắn bó hơn.
Điệu múa Tắc Xình là một đặc trưng văn hóa của người Sán Chay, không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa mà còn có giá trị cung cấp cho các nhà khoa học nhiều tư liệu quý trong nghiên cứu và góp phần tạo nên sự đa dạng văn hoá trong bức tranh văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.