Vụ Cồn Xanh: Bắt giam 3 nguyên lãnh đạo xã ở Nam Định
(ĐCSVN) - Vụ Cồn Xanh: Bắt giam 3 nguyên lãnh đạo xã ở Nam Định; Phát hiện thuốc kháng sinh Cefixim 200 giả tại một số địa phương; Trung Quốc: Vỡ đê khiến gần 4.000 người phải sơ tán… là một số tin đáng chú ý hôm nay (29/7)
Bắt tạm giam 3 bị can nguyên là lãnh đạo xã Nghĩa Thành. (Ảnh: CACC ) |
Vụ Cồn Xanh: Bắt giam 3 nguyên lãnh đạo xã ở Nam Định
Chiều 29/7, Công an tỉnh Nam Định thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với 3 bị can nguyên là lãnh đạo xã Nghĩa Thành (huyện Nghĩa Hưng) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Các bị can bị gồm: Trần Văn An (SN 1982), Chủ tịch UBND xã Phúc Thắng, nguyên Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thành; Phạm Ngọc Quyến (SN 1956), nguyên Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thành; Đào Văn Vân (SN 1957), nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thành. Tất cả các bị can đều chưa có tiền án, tiền sự; cùng trú tại xã Nghĩa Thành.
Theo cơ quan công an, từ năm 2011 - 2023, các bị can đã làm trái công vụ thực hiện ủy quyền của UBND huyện Nghĩa Hưng trong việc tổ chức ký hợp đồng chỉ định thầu cho thuê đất, cho phép sang tên chuyển nhượng quyền thuê đất nuôi trồng thủy sản trái quy định tại khu vực Cồn Xanh
Trong quá trình công tác, ông Trần Văn An từ khi là Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực đất đai, môi trường, tài chính đến khi làm Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thành đã ký 80 hợp đồng thuộc trường hợp chỉ định thầu, 5 hợp đồng thuộc trường hợp áp giá sản nuôi thực nghiệm, 8 hợp đồng thuộc trường hợp hạ hạng đất, áp giá sản chỉ định thầu, ký 11 hợp đồng thuê đất với người được chuyển nhượng quyền thuê đất trái với quy định của pháp luật.
Ông Phạm Ngọc Quyến là Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thành (từ năm 2010 -2015) đã ký 106 hợp đồng thuộc trường hợp chỉ định thầu, 6 hợp đồng thuộc trường hợp áp giá sản nuôi thực nghiệm, ký 9 hợp đồng thuê đất với người được chuyển nhượng quyền thuê đất trái với quy định của pháp luật.
Từ năm 2010 - 2015, ông Đào Văn Vân là Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thành đã trực tiếp soạn hợp đồng và ký 6 hợp đồng cho thuê đất thuộc trường hợp chỉ định thầu, 1 hợp đồng thuê đất thuộc trường hợp hạ hạng đất, áp giá sản chỉ định thầu trái quy định của pháp luật.
Phân biệt Cefixim giả và thật. (Ảnh: Cục Quản lý dược cung cấp) |
Phát hiện thuốc kháng sinh Cefixim 200 giả tại một số địa phương
Cefixim là thuốc kháng sinh khá phổ biến đã bị làm giả và vừa được cơ quan chức năng phát hiện tại một số địa phương.
Ngày 29/7, theo tin từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), đơn vị này đã có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thuốc giả Cefixim 200.
Trước đó, Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hóa đã lấy mẫu sản phẩm tại Công ty cổ phần dược phẩm Hưng Thịnh (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Sản phẩm có các thông tin ghi nhãn: Viên nén bao phim Cefixime 200 (số giấy đăng ký lưu hành: VD-28887-18, số lô: 15030723, ngày sản xuất: 3-07-2023, hạn dùng: 3-07-2025, nơi sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long). Kết quả, mẫu thuốc không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính Cefixim.
Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hóa cũng lấy mẫu tại nhà thuốc dược sĩ Vân (thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Sản phẩm có các thông tin ghi nhãn: Viên nén bao phim Cefixime200, số giấy phép đăng ký lưu hành: VD-28887-18, số lô: 04200623, ngày sản xuất: 20-6-2023, hạn dùng: 20-6-2025, nơi sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long. Mẫu thuốc không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính cefixim.
Mới đây, Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Bình Dương cũng thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu sản phẩm có các thông tin ghi nhãn: Viên nén bao phim Cefixime 200 (số giấy đăng ký lưu hành: VD-28887-18, số lô: 28201123, ngày sản xuất: 20-11-2023, hạn dùng: 20-11-2025, nơi sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long). Mẫu thuốc lấy tại quầy thuốc tây Thanh Duy (địa chỉ huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương). Mẫu thuốc cũng không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính cefixim.
Ngày 23/7, Công ty cổ phần dược Cửu Long đã có báo cáo việc sản xuất các lô thuốc Cefixime 200 và dấu hiệu khác biệt giữa mẫu thuốc lưu tại công ty và mẫu thuốc do Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hóa thu được trên thị trường.
Sau khi đối chiếu, xem xét, để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thông tin về thuốc giả trên nhãn ghi: Viên nén bao phim Cefixime 200 (số giấy đăng ký lưu hành: VD-28887- 18; số lô: 15030723, ngày sản xuất: 3-7-23, hạn dùng: 3-7-2025, số lô: 04200623, ngày sản xuất: 20-6-2023, hạn dùng: 20-6-2025 và số lô: 28201123, ngày sản xuất: 20-11-2023, hạn dùng: 20-11-2025; cơ sở sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long).
Cục Quản lý dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm Cefixime 200 giả có các dấu hiệu nhận biết nêu trên.
Người dân chỉ mua bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp; không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc và kịp thời thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc tới cơ quan y tế và cơ quan có chức năng liên quan.
Ngoài ra, các đơn vị phối hợp kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn; điều tra, xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc về sản phẩm Cefixime 200 giả nêu trên, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành; kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc giả.
Thuốc chứa thành phần Cefixim là thuốc kháng sinh khá phổ biến dùng để điều trị các nhiễm khuẩn gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm: Nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng do các chủng nhạy cảm gây ra; một số bệnh viêm tai giữa, viêm phế quản cấp và mạn; viêm họng và amidan; viêm phổi...
Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân tại khu vực bị ảnh hưởng sau sự cố vỡ đê sông Juanshui ở huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, ngày 29/7/2024. (Ảnh: THX/TTXVN ) |
Trung Quốc: Vỡ đê khiến gần 4.000 người phải sơ tán
Chính quyền tỉnh Hồ Nam (Hunan), Trung Quốc cho biết tính đến sáng 29/7, hơn 3.800 người dân đã được sơ tán sau sự cố vỡ đê sông xảy ra vào tối 28/7.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 20h (giờ địa phương) tại sông Juanshui ở thị trấn Yisuhe, huyện Tương Đàm (Xiangtan). Hiện chưa có báo cáo thương vong được ghi nhận.
Theo cơ quan phòng chống lũ lụt và hạn hán địa phương, hơn 1.200 người, bao gồm cảnh sát, dân quân và lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, đã được huy động tham gia công tác cứu hộ và cứu trợ. Các quan chức cho biết các khu trú ẩn tạm thời đã được thiết lập tại 4 trường học địa phương để phục vụ cho việc di dời dân cư từ hai làng Xintang và Xinhu.
Trước đó cùng ngày, tại Tương Đàm cũng đã xảy ra vụ vỡ đê khác trên một đoạn của sông Juanshui thuộc thị trấn Huashi. Sông Juanshui đổ vào sông Tương Giang, một nhánh chính của sông Dương Tử.
Bộ Quản lý Tình trạng khẩn cấp Trung Quốc ngày 27/7 cho biết tỉnh Hồ Nam sẽ hứng chịu những trận mưa lớn, trong đó một số khu vực của tỉnh sẽ có mưa rất lớn từ tối 27 đến ngày 29/7 do ảnh hưởng của bão Gaemi./.