Vốn vay giúp người dân phường ven biển thoát nghèo
(ĐCSVN) – Là phường ven biển, khó khăn nhất của quận Sơn Trà (Đà Nẵng), cấp ủy và chính quyền phường Nại Hiên Đông luôn xác định tận dụng tối đa các nguồn lực để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Trong các nguồn lực đó có sự đóng góp không nhỏ của nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Chị Nguyễn Thị Bàng đang cho cá ăn trên khu vực lồng nuôi của mình |
Thoát nghèo từ những đồng vốn vay
Ngày cuối năm, chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Bàng (57 tuổi, trú tại Tổ 8, Khối phố Nại Thịnh Đông), một hộ thoát nghèo từ vay vốn NHCSXH. Chị vui vẻ kể : “Cách đây 5 năm, tôi vay 30 triệu đồng để nuôi cá lồng. Sau khi đáo hạn, tôi được xét cho vay lên mức 40 triệu rồi 50 triệu. Tất cả số tiền vay này tôi đầu tư làm một số lồng nuôi hải sản. Nhờ có tích lũy và mượn thêm của người thân, bạn bè, giờ gia đình tôi có cơ ngơi đến 12 lồng, nuôi nhiều loại thủy hải sản khác nhau như: nghêu, hàu và một số loại cá….”.
Chị Bàng tâm sự: “Trời không phụ lòng người, từ vài lồng ban đầu, 2 vợ chồng ngày đêm bám trụ trên sông không kể mưa gió. Tới vụ thu hoạch, chúng tôi có dư và biết tích lũy, cộng với đó là số vốn vay lần sau được tăng lên do trả nợ đúng hạn. Có thêm tiền, tôi mở rộng đầu tư thêm số lồng để làm ăn”.
Theo lời chị Bàng, trước đây gia đình chị là một trong những hộ "nhà chồ", cuộc sống rất khó khăn. Để giúp đỡ gia đình chị, rất nhiều lần Phường cử cán bộ đến bàn cách, hướng dẫn chị làm ăn. Tuy nhiên, sau nhiều năm kinh tế vẫn không khá lên được, Phường lại cử người đến hướng dẫn chị vay vốn từ NHCSXH để nuôi cá lồng.
“Từ vài lồng cá ban đầu, đến nay tôi đã mở rộng lên 12 lồng, nuôi nhiều loài thủy sản như nghêu, hàu, cá các loại. Trừ các chi phí, tính bình quân hiện nay gia đình tôi thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Nhờ có thu nhập, vợ chồng tôi đã thoát nghèo và được phường cấp cho lô đất để lên bờ xây nhà. Chi phí xây dựng lúc đó là hơn 500 triệu đồng. Nhờ có căn nhà nên cuộc sống đã ổn định. Tôi dự định nếu được sẽ vay thêm để tiếp tục mở rộng sản xuất trong thời gian tới”- Chị Bàng cho biết thêm.
Chia tay chị Bàng, theo chân các cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) Hội Cựu chiến binh phường Nại Hiên Đông, chúng tôi được anh Hồ Văn Hải (44 tuổi), trú số 172 đường Bùi Huy Bích- là chủ cơ sở đan lưới có uy tín ở khu vực Âu thuyền Thọ Quang cho hay: Cơ ngơi có được hôm nay của anh cũng xuất phát từ nguồn vốn vay của NHCSXH quận Sơn Trà.
Theo anh Hải, trước đây gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Bản thân anh không có nghề nên phải đi lặn biển, thu nhập mỗi ngày vài chục ngàn đồng. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Hoàng, hằng ngày phải đi vá lưới thuê, thu nhập cũng không nhiều hơn anh. Vợ chồng anh Hải phải nuôi 2 con ăn học, cuộc sống rất khó khăn.
“Vào năm 2016, thấy hoàn cảnh gia đình tôi quá khó khăn, các anh chị trên Phường xuống hướng dẫn thủ tục xin vay vốn từ NHCSXH quận và bàn cách làm ăn. Sau đó, vợ chồng tôi được Phường xét duyệt vay 30 triệu đồng. Có tiền, tôi mua lưới về đan để bỏ cho các cơ sở đánh bắt trên địa bàn. Qua thời gian làm ăn có lãi, tôi trả nợ đúng hạn và được xét cho vay tiếp với số vốn lớn hơn là 50 triệu. Cùng với số vốn vay mới này và số tiền tiết kiệm, mượn thêm người thân, hiện tôi đang tiếp tục đầu tư cho cơ sở đan lưới của mình”- anh Hải cho biết thêm.
“Nếu tính bình quân, mỗi ngày cơ sở vợ chồng tôi đan thành phẩm khoảng 40-50 tấm lưới các loại, phục vụ cho đánh bắt các loài cá, mực trên biển của các cơ sở đánh bắt. Riêng vào những dịp cao điểm của mùa biển, chúng tôi phải gọi thêm từ 5- 6 nhân công để làm lưới mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng”- chị Hoàng (vợ anh Hải) chia sẻ.
Chị Hoàng (vợ anh Hải) cùng một số nhân công đang vá lưới chuẩn bị giao hàng cho các chủ phương tiện đánh bắt sau Tết Canh Tý. |
Trong khi đó, theo chị Tô Thị Thủy (36 tuổi, Khu dân cư Nại Hưng 1, Nại Hiên Đông), trước đây vợ chồng chị thuộc diện hộ nghèo, phải đi làm thuê cho các nhà hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng. Năm 2016, chị được tiếp cận nguồn vốn vay NHCSXH quận Sơn Trà qua các cán bộ tổ dân phố và cán bộ Phụ nữ của Phường. Theo đó, chị được xét cho vay 30 triệu đồng. Với số vốn này chị thành lập cơ sở bán bia các loại. Qua 1 năm làm ăn có lãi, chị trả nợ đúng hạn nên được xét cho vay tiếp với số vốn cao hơn là 50 triệu đồng. Cùng với số tiền làm ăn tích cóp có được, cộng với số vay mới, chị mở rộng cơ sở của mình thành Công ty TNHH Huy Chương, chuyên kinh doanh bia và nước giải khát.
“Nếu không có nguồn vốn vay từ NHCSXH quận, có lẽ giờ đây vợ chồng tôi vẫn đang làm thuê ở đâu đó. Chính nhờ đồng vốn của NHCSXH, tôi mới có cơ hội làm ăn như hiện nay. Hiện bình quân mỗi ngày, Công ty tôi tiêu thụ khoảng 3 xe tải bia và nước giải khát (tương đương 500 thùng bia lon, 100 thùng bia chia các loại và hơn 50 thùng nước giải khát). Các sản phẩm này của tôi được các nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn phường và lân cận tiêu thụ. Để đảm bảo việc vận chuyển bia cho khách, tôi phải thuê thêm 7 nhân viên làm việc thường xuyên”- chị Thủy bộc bạch.
Phát huy trách nhiệm của hệ thống chính trị
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, phường Nại Hiên Đông hiện nay có rất nhiều hộ dân thoát nghèo, có việc làm ổn định từ nguồn vốn vay của NHCSXH quận Sơn Trà.
Theo ông Cao Đình Hải, Phó Bí thư, Chủ tịch phường Nại Hiên Đông: Nếu như trước đây, Nại Hiên Đông là địa phương có tỷ lệ thu hồi vốn tín dụng hoặc nợ xấu khá cao của quận Sơn Trà thì trong vài năm gần đây, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đặc biệt kể từ khi Đảng ủy Phường ban hành Nghị quyết số 90-NQ/ĐU (2018) chỉ đạo công tác quản lý, nâng cao chất lượng công tác tín dụng và phấn đấu đưa tỷ lệ nợ quá hạn xuống mức 0,2% tổng dư nợ, từ đó tỷ lệ thu hồi nợ xấu, nợ tồn đọng tín dụng giảm đáng kể, số lượng được vay vốn từ NHCSXH và giải ngân ngày càng nhiều.
“Đảng ủy Phường giao trực tiếp cho Chủ tịch phường, đồng thời là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH quận trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác xử lý nợ và đôn đốc công tác tín dụng trên địa bàn. Với trách nhiệm này, tôi đã chủ trì các cuộc họp vào ngày 10 hàng tháng trước khi diễn ra buổi giải ngân vào ngày 18 sau đó. Tại cuộc họp này, tôi yêu cầu các hội đoàn thể ủy thác báo cáo tình hình xử lý nợ, những khó khăn đặt ra. Từ đó nắm được các hộ có khả năng chây ỳ, không trả nợ đúng hạn để đưa ra biện pháp tuyên truyền, vận động, xử lý không để nợ xấu, nợ tồn động. Cạnh đó, thông qua báo cáo của các đoàn thể để Phường rà soát, củng cố và thay đổi thành viên các tổ TT&VV nếu làm việc không hiệu quả, thiếu sâu sát; mặt khác cũng chỉ đạo cán bộ đến gặp gỡ và động viên người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có kế hoạch tiết kiệm trả nợ ngân hàng…”, ông Cao Đình Hải cho biết.
Chị Tô Thị Thủy cho biết, để được vay vốn từ NHCSXH, chị đã làm đơn xin vay nêu rõ mục đích vay. Trên cơ sở đó Phường cử cán bộ xuống trực tiếp tìm hiểu thực tế rồi mới duyệt danh sách cho vay. Quá trình vay, cán bộ phường cũng thường xuyên đến động viên, hướng dẫn làm ăn. |
Với cách làm trên, đội ngũ cán bộ đoàn thể ủy thác và thành viên các tổ VV&TT thường xuyên đến gặp gỡ, nắm rõ khả năng sử dụng mục đích đồng vốn vay, khả năng trả nợ và nhu cầu vay thêm của các hộ. Đối với hộ vay, trước khi vay phải trình bày mục đích vay của mình để làm căn cứ xét duyệt; sau đó phường sẽ đến xác minh, tìm hiểu kỹ trước khi xét cho vay. Nhờ vậy, đến cuối năm 2019, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách của phường Nại Hiên Đông được cải thiện đáng kể; cả 36/36 tổ TT&VV trên địa bàn đều được xếp loại tốt, khá, không có tổ trung bình hay yếu kém. Đặc biệt, tính đến 31/12/2019 tổng số hộ giải ngân trong năm là 715 hộ, với tổng số tiền giải ngân là 25,402 tỷ đồng, tăng 64 hộ, tăng số tiền giải ngân 1,912 tỷ đồng so với năm 2018. Trong số giải ngân này có 127 hộ nghèo với số tiền được giải ngân là 4,385 tỷ đồng; nợ quá hạn đạt tỷ lệ 0,06%, giảm 0,02% so với năm 2018.
“Với kết quả giải ngân trên cùng với nhiều biện pháp giúp đỡ khác, đến cuối năm 2019, phường chúng tôi đã có 164 hộ nghèo và 135 hộ cận nghèo được thoát nghèo. Đồng thời với đó, toàn phường đã có 920 lao động được giải quyết công ăn việc làm. Đây thực sự là thành quả rất lớn và là điểm sáng trên mặt trận xóa đói giảm nghèo của chúng tôi hiện nay”- ông Cao Đình Hải khẳng định.
Xác nhận khẳng định trên của ông Hải, bà Nguyễn Thị Thanh Tùng, Giám đốc phòng giao dịch NHCSXN quận Sơn Trà cho biết thêm: “Thành công trên đã đưa Nại Hiên Đông từ một phường có tỷ lệ thu hồi vốn và nợ xấu thuộc diện áp chót của quận trước đây giờ trở thành địa phương đứng nhất, nhì của quận. Kết quả này đã đưa Nại Hiên Đông thành điểm sáng cần nhân rộng trên địa bàn quận Sơn Trà hiện nay”.
Cũng theo bà Tùng, nguyên nhân của thành công trên trước hết bắt nguồn từ sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là vai trò và sự sâu sát của người đứng đầu chính quyền và các hội đoàn thể, các tổ TT&VV để định hướng, giúp đỡ người vay vốn sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Trong khi đó, một ghi nhận đáng kể ở đây là quyết tâm làm ăn, biết tiết kiệm và phát huy đồng vốn vay của người được vay.
Chia tay Nại Hiên Đông, chúng tôi cảm nhận được không khí và sắc xuân như đang về trên mọi nẻo đường. Tin rằng năm nay, người dân nơi đây sẽ có một năm mới vui tươi và ấm áp hơn./.