Vô cảm “đúng quy trình”!
(ĐCSVN) - Các cơ quan chức năng liên quan đã lên tiếng về sự việc gần 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư hết hạn sử dụng do thủ tục xin phép, cấp phép nhận viện trợ kéo dài. Tất cả đều khẳng định mình làm đúng quy trình nhưng khi xong các quy trình thì thuốc cũng... hết hạn sử dụng (?!),
Gần 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư hết hạn sử dụng do thủ tục xin tiếp nhận kéo dài. Ảnh: Giadinh.net
Theo giải trình của Bệnh viện Huyết học truyền máu TP. Hồ Chí Minh, thủ tục nhập số thuốc trên từ nhà tài trợ nước ngoài bắt đầu từ ngày 15/7/2013. Ngày 28/11/2013, bệnh viện có văn bản gửi Cục Quản lý dược xin được tiếp nhận số thuốc viện trợ trên. Ngày 27/12/2013, Cục trưởng Cục Quản lý dược ban hành giấy phép lưu hành sản phẩm cho lô hàng thuốc trên, hạn dùng 24 tháng.
Tiếp đến là các thủ tục gửi văn bản lên Sở Y tế xin tiếp nhận số thuốc, Sở lại gửi văn bản sang UBND TP và Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị để xin tiếp nhận. Đến khi bệnh viện hoàn thành được tất cả các thủ tục này thì Cục Hải quan không tiếp nhận cho nhập vì lô thuốc chỉ còn hạn sử dụng dưới 12 tháng...
Sau khi Sở Y tế gửi tờ trình sang Hải quan để đề nghị hỗ trợ xem xét giải quyết, thuốc được nhập về kho của bệnh viện thì hạn sử dụng chỉ còn 10 tháng, đó là ngày 13/8/2014.
Như vậy, quy trình tiếp nhận lô thuốc đã kéo dài tới hơn 1 năm trời. Hậu quả là đến tháng 8/2015, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. HCM đã phải tiêu hủy 19.997 viên thuốc Tasigna hết hạn từ tháng 5/2015.
Giải thích về trách nhiệm trong sự việc trên, các cơ quan liên quan đều lên tiếng cho rằng, mình làm “đúng quy trình”. Nhưng mỗi quy trình kéo dài tới cả tháng trời với nhiều cơ quan chức năng tham gia chỉ để tiếp nhận một lô thuốc viện trợ thì thật sự không ổn.
Quy trình thì đúng, nhưng thời gian thực hiện: 1 ngày, 1 tuần hay 5 tháng là do người tiếp nhận giải quyết thủ tục đó(?!).
Trở lại lô thuốc trên, chưa cần nói đến thời hạn sử dụng , mà hãy tham chiếu vào tinh thần khẩn trương cứu người của đạo đức ngành y. Nếu chậm thuốc một giờ, nửa giờ, thậm chí là vài phút, vài giây đã có thể khiến nhiều bệnh nhân phải chết... Vậy mà các cơ quan chức năng lại bình chân như vại để làm đúng quy trình. Và khi xong hết các quy trình thì thuốc cũng… hết hạn sử dụng (!).
Đơn giá của 1 viên thuốc này ở thời điểm tháng 8/2015 là hơn 700.000 đồng/viên, người mắc bệnh bạch cầu tủy mạn phải dùng từ 3-4 viên/ngày. Nếu không có nhà tài trợ, họ sẽ phải trả từ 2-3 triệu đồng/ngày cho chi phí điều trị. Như vậy, giá trị kinh tế của những viên thuốc viện trợ là cực kỳ đắt đỏ, nhất là với những bệnh nhân nghèo. Thế mà chỉ vì quy trình hành chính kéo dài cả năm đã dẫn đến kết cục vô cùng lãng phí...
20.000 viên thuốc quý bị tiêu hủy chỉ vì thời gian làm thủ tục kéo dài, trong khi hàng ngàn người bệnh thiếu thuốc, thì cách giải quyết thủ tục ấy đã trở thành đỉnh cao của sự vô cảm “đúng quy trình”!