Vĩnh Phúc: Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,46% tính đến năm 2019
(ĐCSVN) - Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển (1950-2020), đến nay, công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng được địa phương quan tâm, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt 92,5% dân số năm 2019 (Ảnh minh họa: AN) |
Cụ thể, về công tác giải quyết việc làm, hoạt động tư vấn, giới thiệu và giải quyết việc làm ngày càng được tăng cường. Sàn giao dịch việc làm của tỉnh, các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm của các cơ sở dạy nghề và các tổ chức đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh…) đã cung cấp nhiều thông tin cần thiết về thị trường lao động và mở ra cho người lao động nhiều cơ hội việc làm. Riêng năm 2019, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 24.433 lao động, tăng 6,2% so với kế hoạch, trong đó đưa 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, về công tác an sinh xã hội, hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện. Các đề án, chính sách dân tộc cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Đến cuối năm 2011, tỉnh đã cơ bản xoá xong nhà tạm cho hộ nghèo. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn tiếp cận đa chiều) toàn tỉnh giảm còn 1,46%; không có hộ nghèo thuộc đối tượng gia đình chính sách, người có công. Đồng thời, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh tăng từ 58,0% (năm 2011) lên 92,5% dân số (năm 2019).
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” chăm sóc đời sống người có công với cách mạng tiếp tục được duy trì và phát triển. Trong đó, Vĩnh Phúc đã huy động được toàn thể các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng dân cư cùng tham gia, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công. Các chế độ cho đối tượng chính sách được thực hiện đầy đủ./.