Vĩnh Phúc: Triển khai Đề án thí điểm mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”
(ĐCSVN) - Việc thí điểm mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu tại Vĩnh Phúc gắn với thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp... góp phần bảo tồn, khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Nhà văn hóa thôn Phúc Lập Trong, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường có hơn 300 chỗ ngồi (Ảnh: Hồng Hà) |
Thời gian qua, cuộc vận động xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng “làng văn hóa” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 1.237/1.237 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao (đạt 100%), trong đó có 1.072 thôn đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2021, có 1.161/1.237 đơn vị đạt thôn, làng, tổ dân phố (đạt chuẩn) văn hóa (đạt 93,85%). Phong trào đã phát huy mạnh mẽ tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, nâng cao ý thức tự quản cộng đồng; huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa cộng đồng; tạo ra sự chuyển biến tiến bộ thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội; duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội và nhiều kết quả thiết thực khác.
Thiết chế văn hóa thôn, tổ dân phố đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, là cơ sở để xây dựng đời sống mới. Đây là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân về hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; giữ vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, cổ động chào mừng các ngày kỷ niệm, các sự kiện chính trị của đất nước, của địa phương ngay tại từng thôn, làng, khu dân cư.
Thị trấn Hương Canh sẽ đưa sản phẩm làng nghề gốm Hương Canh vào trưng bày, giới thiệu và bán tại Trung tâm văn hóa của thị trấn (Ảnh: Trà Hương) |
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện phong trào xây dựng “làng văn hóa” còn có những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Cơ sở vật chất văn hóa ở các địa phương hiện nay còn đơn điệu, chưa phát huy hết công năng, hiệu quả; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, liên hoàn, chưa có tính liên kết giữa các công trình. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ, thương mại tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập người dân chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.
Trước những yêu cầu của thực tiễn, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa; để từng bước cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho chủ trương xây dựng Đề án thí điểm xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”.
Ngày 29/12/2022, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2680/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án này. Việc thí điểm mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu gắn với thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp... góp phần bảo tồn, khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương. Đồng thời, thông qua việc xây dựng mô hình góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị ở cơ sở trong tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.
Trước đó, ngày 12/12/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, trong đó xác định rõ: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội... Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch; gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, không gian, kiến trúc văn hóa làng, xã nông thôn truyền thống; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện đưa vào khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa đảm bảo có quy mô, tiên tiến, hiện đại của vùng đồng bằng sông Hồng./.