Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: Tín hiệu tích cực từ chương trình giảm nghèo bền vững

Thứ Hai, 22/08/2016 16:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Được biết đến là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, song 5 năm qua, với cách làm sáng tạo, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều hiệu quả thiết thực. Hàng nghìn hộ dân đã được hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo, phát triển đời sống.

Mô hình trồng su su lấy ngọn của nông dân xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo. Ảnh PA.
Nỗ lực vượt khó

Với khoảng 80 nghìn dân, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) là địa bàn cư trú của 10 dân tộc anh em, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Tuy còn nhiều khó khăn song những năm qua, bằng sự nỗ lực của bộ máy chính quyền cũng như nhân dân toàn huyện, huyện Tam Đảo đã tận dụng lợi thế, triển khai đồng bộ nhiều chương trình, giải pháp giảm nghèo bền vững, từ đó, thiết thực nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc trong huyện.

Cùng với Yên Dương và Bồ Lý, Đạo Trù là 1 trong 3 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn ở huyện Tam Đảo với tỷ lệ hộ nghèo lên tới gần 65% (năm 2009). Thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác giảm nghèo, xã Đạo Trù đã tăng cường vận động, khuyến khích các hộ nghèo vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, nhiều mô hình sản xuất điểm có hiệu quả kinh tế cao cũng được triển khai thực hiện và nhân rộng như: Mô hình chăn nuôi lợn bản địa, mô hình nuôi dê thịt, mô hình nuôi trâu bò sinh sản, mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng...; qua đó, vừa phát huy tốt tiềm năng, lợi thế về rừng, đất rừng của địa phương, vừa giúp bà con tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Đắc Vân - Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Trù cho biết: “Nhờ đa dạng hóa các giải pháp, trọng tâm là hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đến hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn dưới 10%. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với một xã miền núi đặc biệt khó khăn như Đạo Trù”.

Tìm hiểu được biết, không chỉ có Đạo Trù mà ở hầu hết các xã, thị trấn của huyện Tam Đảo, công tác giảm nghèo đều được cấp ủy, chính quyền xác định là một nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa quan trọng. Huyện ủy Tam Đảo đã có Nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo”. Hàng năm, trong triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Tam Đảo đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể chú trọng lồng ghép các chương trình giảm nghèo gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhờ đó, công tác giảm nghèo bền vững đã được triển khai thực hiện đồng bộ trên cơ sở sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị. Các chính sách ưu đãi về y tế, giáo dục, đào tạo nghề, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, nhà ở, nước sinh hoạt đã được hỗ trợ kịp thời, chính xác đến các hộ dân bảo đảm phù hợp, đúng đối tượng.

Hiệu quả thiết thực, bền vững

Một ngày đầu tháng 8, được sự giới thiệu của Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội huyện Tam Đảo, chúng tôi tìm đến tham quan mô hình trồng su su lấy ngọn của nông dân xã vùng cao Hồ Sơn. Được đánh giá là một trong những mô hình giảm nghèo tiêu biểu của địa phương, chúng tôi thực sự bất ngờ trước hiệu quả kinh tế thu được từ mô hình trồng su su lấy ngọn. Trên cơ sở sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án giảm nghèo, nhiều hộ dân ở Hồ Sơn đã vươn lên làm giàu từ nghề trồng su su. Với giá thu mua tại ruộng của thương lái dao động từ 8 – 10 nghìn đồng/kg (loại chưa nhặt) và 14 - 15 nghìn đồng/kg (loại nhặt sẵn), trên diện tích 1 ha, người sản xuất có thể thu nhập hàng chục triệu đồng sau mỗi vụ trồng su su. Từ kết quả đó, đến nay, trên địa bàn huyện Tam Đảo đã phát triển được hơn 250 ha chuyên canh su su lấy ngọn tập trung ở các xã như: Hồ Sơn, Tam Quan, Đại Đình, Hợp Châu, Minh Quang, thị trấn Tam Đảo...

Theo ghi nhận của chúng tôi, bên cạnh mô hình trồng su su lấy ngọn, thông qua thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, trên địa bàn huyện Tam Đảo đã xuất hiện hàng loạt các mô hình phát triển kinh tế, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân. Điển hình như mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc ở xã Minh Quang, mô hình trồng rau, củ, quả chuyên canh ở xã Hợp Châu, mô hình trồng cây dược liệu ở các xã Tam Quan, Đạo Trù, Đại Đình… Từ hiệu quả của các mô hình này, năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Tam Đảo đã tăng 14,05% so với năm 2014; tổng sản lượng lương thực có hạt của toàn huyện đạt trên 25/560 tấn; giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt hơn 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 6,85%, giảm 2,44% so với năm 2014.

Đồng chí Nguyễn Thành Chung - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo phấn khởi chia sẻ, kết quả công tác giảm nghèo bền vững thời gian qua là công sức nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trong huyện. Để giảm nhanh tỷ lệ nghèo gắn với nâng cao đời sống người dân, thời gian tới, huyện Tam Đảo sẽ tập trung chỉ đạo các ban, ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại ở một bộ phận người dân; tăng cường hơn nữa việc phổ biến, nhân rộng những kinh nghiệm hay, gương điển hình tiên tiến trong thực hiện công tác giảm nghèo; phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả giúp bà con thoát nghèo vươn lên làm giàu ngay trên chính quê hương. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Tam Đảo cũng sẽ tiếp tục chú trọng lồng, ghép các chương trình; tích cực huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo theo hướng “hiệu quả, bền vững”, từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân trong huyện./.

Phan Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN