Vĩnh Phúc tập trung phòng trừ sâu bệnh dịch hại và chăm sóc các loại cây trồng
Tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tập trung phòng trừ sâu bệnh dịch hại và chăm sóc các loại cây trồng hiệu quả, đảm bảo có mùa vụ thu hoạch đạt năng suất, chất lượng cao trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2017 - 2018, toàn tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến gieo trồng hơn 40.000 ha cây trồng; trong đó lúa là trên 31.000 ha, còn lại là hoa màu, rau, đậu các loại. Đến ngày 13/3/2018, toàn tỉnh đã gieo trồng được 37.946 ha; trong đó diện tích lúa Xuân sớm là 3.428 ha và Xuân muộn là hơn 27.214 ha...
Theo thông báo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều loại sâu bệnh hại cây trồng, đặc biệt là diện tích lúa nhiều địa phương đã xuất hiện sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu, rầy lưng trắng.... Nhiều đồng ruộng dầy kênh, mương, đồi núi, ao hồ, cạnh làng xóm…xuất hiện tình trạng chuột phá hoại lúa có những biện hiện phức tạp.
Để chủ động phòng trừ sâu bệnh dịch hại và chăm sóc các loại cây trồng tốt nhất, Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tập trung theo dõi chặt chẽ dịch bệnh, sâu bệnh, chuột… để kịp thời phòng trừ hiệu quả. Ngành chức năng thực hiện tốt thanh tra, kiểm tra việc buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, kiểm dịch thực vật giống cây trồng nhập nội trên địa bàn toàn tỉnh chặt chẽ và kiên quyết xử lý nghiêm với các trường hợp, đối tượng buôn bán phân bón, thuốc trừ sâu giá, kém chất lượng…
Ngành chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết; đồng thời vận động bắt ốc bươu vàng trưởng thành và trứng đem tiêu hủy; thực hiện các biện pháp thủ công bắt sâu non, vợt bướm, ngắt ổ trứng, nhổ bỏ các cây bị bệnh hại nặng; cắt dảnh héo sâu đục thân; bắt sâu non sâu cuốn lá và vơ lá bệnh khô vằn đưa vùi sâu xuống ruộng; sử dụng các loại bẫy bắt chuột và quây ni lông hoặc lưới để tránh chuột vào hại cây trồng.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, hướng dẫn nông dân điều tiết nước hợp lý, bón phân cho lúa kịp thời và hợp lý theo hướng dẫn của ngành chức năng…. Các ngành chức năng cùng phối hợp với địa phương trong tỉnh khai thác tốt nguồn nước ở ao, hồ, đầm…để tưới cho lúa, rau, màu, tránh để cây trồng khô hạn nhưng cũng giữ mực nước tối thiểu ở ao, hồ, đầm để đảm bảo việc nuôi trồng thủy sản không ảnh hưởng tiêu cực…/.