Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài
(ĐCSVN) - Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài nhằm đóng góp cho sự phát triển của tỉnh và đề nghị Liên hiệp hội tiếp tục phát huy vai trò, giúp tỉnh làm cầu nối để giới thiệu, mời gọi những trí thức tiêu biểu ở trong và nước ngoài góp sức cho sự phát triển của tỉnh.
Ngày 24/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về công tác phát triển đội ngũ trí thức KH&CN. Đoàn công tác của VUSTA do TSKH, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng dẫn đầu.
Đoàn công tác VUSTA chụp ảnh kỷ niệm cùng cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: PV) |
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Huy Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm tới việc tập hợp, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức; kịp thời chỉ đạo quán triệt, triển khai và thể chế hóa nghị quyết, kết luận của Trung ương bằng các chương trình hành động, nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, thông tri, quyết định của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Đến nay, Vĩnh Phúc đã tập hợp và xây dựng đội ngũ trí thức với 26.847 người, làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức trong tỉnh. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã phát triển được 24 tổ chức thành viên, với tổng số gần 20.000 hội viên và 4 tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc Liên hiệp hội đều tự chủ về kinh phí hoạt động.
Liên hiệp hội đã thực hiện tư vấn, phản biện, tham gia, đóng góp ý kiến với tổng số 63 nội dung đề tài, đề án; tham gia 10 đề án quan trọng của tỉnh. Đây là những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức nhằm đưa ra những quan điểm tích cực, luận cứ khoa học xác đáng giúp tỉnh có căn cứ đưa ra quyết định kịp thời. Các nội dung tư vấn, phản biện và các ý kiến đề xuất của Liên hiệp hội được các cấp, các ngành trong tỉnh ghi nhận và đánh giá cao.
Về sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 93 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành 2 văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh đã ban hành 4 văn bản thực hiện. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho Liên hiệp hội, đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong tỉnh hoạt động chất lượng, hiệu quả, tích cực tham gia vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh.
Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025, hình thành được đội ngũ chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực; thu hút được tối thiểu 50 nhân tài vào bộ máy các cơ quan trong giai đoạn 2020-2025; phấn đấu 80% phát minh, sáng kiến, sáng chế các nhiệm vụ khoa học được thực hiện bởi đội ngũ trí thức của tỉnh hoặc do đội ngũ trí thức của tỉnh đồng chủ trì.
Hằng năm, tổ chức được 2-3 chương trình, nội dung, hợp tác với các chuyên gia đầu ngành, các tổ chức có uy tín… để chuyển giao tri thức. Mỗi năm cử 100-150 cán bộ, công chức đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị và 700-800 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo trung cấp lý luận chính trị; phấn đấu đến năm 2025, hình thành được đội ngũ người có tài năng trong hoạt động công vụ của tỉnh trong hầu hết các lĩnh vực.
Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài tại tỉnh (Ảnh: PV) |
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh đánh giá cao vai trò, đóng góp toàn diện của đội ngũ trí thức và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho sự phát triển của địa phương. Đồng chí Phạm Hoàng Anh khẳng định, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài nhằm đóng góp cho sự phát triển của tỉnh và đề nghị Liên hiệp hội tiếp tục phát huy vai trò, giúp tỉnh làm cầu nối để giới thiệu, mời gọi những trí thức tiêu biểu ở trong và nước ngoài góp sức cho sự phát triển của tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đề nghị VUSTA tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tăng cường sự gắn kết, giúp Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Vĩnh Phúc được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay, xây dựng và hình thành được nguồn nhân lực đổi mới, sáng tạo; kết nối, giới thiệu các chuyên gia, các nhà khoa học giúp tỉnh về chuyển giao các tiến bộ KHKT; xây dựng các mô hình, đề án phát triển KT-XH chuyên sâu của tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Đánh giá cao công tác tập hợp, phát triển đội ngũ trí thức của Vĩnh Phúc, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA đề nghị tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; có các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút nhân tài.
Tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ, trong công tác nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch, đề tài khoa học.
Đồng thời, cần cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Kết luận số 93 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Bộ Chính trị về “đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của VUSTA trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Chủ tịch VUSTA cũng đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật; sớm hoàn thiện báo cáo trình Ban Bí thư về công tác tập hợp, phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh.
Nâng cao hiệu quả hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động khoa học và công nghệ; chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các trường đại học, cơ sở nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước trong việc hợp tác đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao, phát triển kết quả khoa học và công nghệ.