Vĩnh Phúc: Phát triển theo hướng “mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”
(ĐCSVN) – Theo đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cùng với thành công trong phát triển kinh tế, với quan điểm “mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”, Vĩnh Phúc đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực để tập trung phát triển văn hóa, xây dựng con người đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, tập trung giải quyết những vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (Ảnh: PV) |
Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô Hà Nội. Trong lịch sử xây dựng và phát triển, Vĩnh Phúc luôn vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của mình để vươn lên và có những đóng góp lớn cho Trung ương trên nhiều lĩnh vực. Trước đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc vinh dự, tự hào được 8 lần đón Bác Hồ về thăm, động viên, biểu dương về những thành tích nổi bật trong sản xuất và chiến đấu; Vĩnh Phúc cũng được biết đến địa phương có nhiều đổi mới và sáng tạo; quê hương chủ trương “khoán hộ” trong nông nghiệp (do cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc khởi xướng).
Thực hiện đường lối đổi mới Đảng, Vĩnh Phúc tiếp tục khẳng định là một trong những địa phương đi đầu trong CNH, HĐH. Sau hơn 26 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã và đang hiện thực hóa khát vọng “trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc” như lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm tỉnh năm 1963; từ một tỉnh nghèo, thuần nông khi mới tái lập (năm 1997), Vĩnh Phúc đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội; trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, sản xuất ô-tô, xe máy, linh kiện điện tử của cả nước. Trong giai đoạn 1997 - 2022, Vĩnh Phúc duy trì tăng trưởng bình quân trên 13%/năm, nằm trong nhóm các địa phương tăng trưởng cao, quy mô nền kinh tế lớn và thu ngân sách trong Top đầu cả nước. Công nghiệp – dịch vụ chiếm 93,15% trong cơ cấu kinh tế (nông nghiệp chỉ còn 6,85%).
Trung tâm Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc (Ảnh: PV) |
Cùng với thành công trong phát triển kinh tế, với quan điểm “mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”, Vĩnh Phúc đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực để tập trung phát triển văn hóa, xây dựng con người đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, tập trung giải quyết những vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong nhiều nhiệm kỳ qua, các chính sách của tỉnh đều hướng đến nhân tố con người, lấy con người là trung tâm của sự phát triển. Đặc biệt, đầu năm 2023, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” (giai đoạn 1 đang triển khai 28 Làng; giai đoạn 2 tiếp tục triển khai 30 Làng) – Đây là mô hình hoàn toàn mới, một cách làm sáng tạo, dấu ấn của Vĩnh Phúc trong việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đặc biệt là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 (Điều này đã được GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh và nhiều học giả, nhà khoa học khẳng định tại Hội thảo khoa học được tổ chức ngày 21/10 vừa qua).
Vĩnh Phúc có nhiều khởi sắc trên các mặt, lĩnh vực (Ảnh: PV) |
Với những chính sách đó, lĩnh vực văn hoá - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, nhiều năm liên tục Vĩnh Phúc là tỉnh đứng trong Top đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Nhiều công trình y tế, giáo dục trọng điểm được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Diện mạo nông thôn của Vĩnh Phúc đã thay đổi toàn diện; đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt; năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 130 triệu đồng/người (đứng thứ 9 cả nước); Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh hiện chỉ còn dưới 0,7%. Chính trị - xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy, niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước ngày càng được tăng cường.
Những thành quả đạt được trong thời gian qua là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành và các địa phương; sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh; sự đồng hành của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.