Vĩnh Phúc: Nhìn lại 5 năm thực hiện cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
(ĐCSVN) – 5 năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) liên tục tăng qua từng năm, đặc biệt là tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện.
Ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết 28), dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, công tác cải cách chính sách BHXH đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo BHXH tỉnh, Bưu điện tỉnh cùng các đại biểu quyết tâm hưởng ứng Lễ ra quân Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân 27/05/2023 (Ảnh: PV) |
Xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của cái cách chính sách BHXH
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của cải cách chính sách BHXH, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Chương trình hành động số 62-CTr/TU, ngày 31/8/2018 thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, trong đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND, ngày 17/7/2020 quy định chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh, do đó số người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tăng hằng năm, chế độ, chính sách và quyền lợi về BHXH, BHTN của người lao động và nhân dân được thực hiện kịp thời, đầy đủ, từng bước khẳng định chính sách BHXH là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cải cách chính sách BHXH đã đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, số người tham gia BHXH tại tỉnh liên tục tăng qua từng năm, đặc biệt là tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện. Việc thực hiện các mục tiêu đã đạt được những kết quả rõ rệt: Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tăng qua các năm. Năm 2018 có 191.204 người tham gia, tăng 11.469 người so với năm 2017. Đến năm 2022, có 252.582 người tham gia, tăng 4.657 người so với năm 2021. Dự kiến hết năm 2023 có 269.070 người tham gia, tăng 16.488 người so với năm 2022, chiếm 45% lực lượng lao động, đạt 100% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW (trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện là 23.171 người, tăng 4,312 người so với năm 2022, chiếm 3,8% lực lượng lao động, vượt 1,3% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW).
Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp: Năm 2018 có 180.948 người tham gia, tăng 12.773 người so với năm 2017. Dự kiến năm 2023 có 240.267 người tham gia, tăng 14.627 người so với năm 2022, chiếm 39% lực lượng lao động, vượt 4% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đêu tăng. Năm 2018 số người hưởng lương hưu 41.622 người, chiếm 35% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu; năm 2022 số người hưởng lương hưu 42.593 người, chiếm 42% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, tăng 7% so với năm 2018. Phấn đấu đến hết năm 2023 đạt 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình hành động số 62-CTr/TU của Tỉnh ủy, đến năm 2025 đạt 45% lực lượng lao động tham gia BHXH, năm 2022 đạt 44,2% lực lượng lao động tham gia BHXH, phấn đấu đến năm cuối nhiệm kỳ (2025) đạt 46% lực lượng lao động tham gia BHXH, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình hành động số 62 của Tỉnh ủy đề ra.
Công tác phối kết hợp của các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH được đẩy mạnh; từ năm 2018-2023, các sở, ngành, địa phương đã phối hợp tổ chức được 2.846 Hội nghị tuyên truyền; tổ chức 11 Lễ ra quân tuyên truyền, đưa 792 tin, bài, video, phóng sự, tọa đàm; tuyên truyền trên loa truyền thanh cơ sở phát 32.917 lượt tin, bài, trên trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh đưa 3.556 tin, bài, văn bản, video... Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã tác động tích cực đến nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động; ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động có nhiều chuyển biến; đối tượng tham gia BHXH được mở rộng. Kết quả thu, nộp BHXH trên địa bàn tỉnh năm sau cao hơn năm trước. Ý thức tìm hiểu pháp luật và sử dụng pháp luật về BHXH để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động được nâng lên. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH được tăng cường. Công tác thanh tra, kiểm tra tổ chức thực hiện chính sách BHXH được đẩy mạnh, nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời những đơn vị có hành vi vi phạm các quy định pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Trong giai đoạn 2018-2023, đã thanh tra, kiểm tra được 1.435 đơn vị. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra góp phần tích cực trong công tác thu nợ đọng và phát triển người tham gia; đã truy thu cho 3.663 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian BHXH, BHTN, BHYT, với số tiền 21 tỷ đồng; thu hồi nợ đọng hơn 87 tỷ đồng, đạt 91% tổng số tiền nợ của các đơn vị. Việc cải cách trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống BHXH được tăng cường, BHXH tỉnh cung cấp tất cả các dịch vụ công lên cấp độ 4, cung cấp dịch vụ theo hướng tập trung, nhanh chóng, chính xác; hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Tập trung làm tốt năm nhóm giải pháp để củng cố và tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách chính sách BHXH
Bên cạnh những kết quả đạt được công tác cải cách chính sách BHXH còn một số hạn chế như: Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành chức năng trong công tác tuyên truyền và thực hiện chế độ BHXH chủ yếu ở cấp tỉnh, công tác tác phối hợp ở cấp huyện hạn chế. Việc khai thác đơn vị tham gia BHXH, BHTN bắt buộc thông qua dữ liệu của cơ quan thuế cung cấp còn thấp. Người tham gia BHXH tự nguyện tuy có tăng dần qua các năm, nhưng đối tượng chưa tăng mạnh, do một số nguyên nhân như: Thời gian tham gia để hưởng chế độ hưu trí tương đối dài (tối thiểu 20 năm); chế độ chưa thực sự linh hoạt (mới quy định hưởng 2 chế độ: hưu trí, tử tuất), mức đóng tăng… dẫn đến người dân còn chưa mặn mà trong việc tham gia BHXH tự nguyện...
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII), trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc xác định cần tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác BHXH, quy định rõ trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, Bảo hiểm tự nguyện, BHYT, Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hai là, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ trong công tác triển khai thực hiện, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể. Phát huy vai trò nòng cốt của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH các cấp trong tham mưu với cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, để tổ chức thực hiện hoàn thành tốt chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra.
Ba là, tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH. Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Năm là, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân. Rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp..../.