Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khám chữa bệnh

Thứ Ba, 06/08/2019 18:08 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khám chữa bệnh và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, thời gian tới, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển các cơ sở khám chữa bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở y tế hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Ảnh minh họa (Ảnh: Đỗ Thoa)

Nghị quyết số 46/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, những năm qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của tỉnh đã được quan tâm, chú trọng. Hệ thống tổ chức, mạng lưới y tế trên địa bàn tỉnh được củng cố sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Cùng với đó, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế được tăng cường. Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế cấp huyện hàng năm được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh hiện có 15 cơ sở khám chữa bệnh công lập trực thuộc Sở Y tế với tổng số 3.110 giường bệnh; 137 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc trung tâm y tế các huyện, thành phố; 3 bệnh viện trực thuộc Bộ, ngành với 500 giường bệnh. Tổng số cán bộ biên chế trong các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế 4.408 người.

Bên cạnh đó, công tác đầu tư cơ sở vật chất được tỉnh quan tâm bố trí với tổng mức đầu tư công nâng từ 4% giai đoạn 2010-2015 lên 7% nguồn vốn đầu tư phát triển hàng năm cho ngành Y tế giai đoạn 2016-2020. Riêng giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã bố trí 3.193,374 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh tập trung xây dựng hoàn chỉnh hai công trình trọng điểm gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 1.000 giường bệnh, Bệnh viên Sản – Nhi quy mô 500 giường bệnh.

Song song với đó, công tác đầu tư trang thiết bị y tế được tỉnh quan tâm. Đến nay, danh mục các trang thiết bị tại các bệnh viện tuyến tỉnh đạt 82,6% tại tuyến, 42,4% vượt tuyến. Tại các trung tâm y tế huyện đạt 62% tại tuyến và 5,7% vượt tuyến. Danh mục các loại trang thiết bị hiện có tại các trạm y tế xã đạt 82% tại tuyến.

Dù vậy, theo đánh giá của Nghị quyết, việc thực hiện chính sách pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, bất cập. Trong đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và huyện còn thiếu, lạc hậu. Bệnh viện Sản – Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng đang xây dựng, chưa đi vào hoạt động. Một số Trung tâm y tế cấp huyện với cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiết kế xây dựng ban đầu không đồng bộ.

Đáng chú ý, tỷ lệ bác sỹ chuyên khoa 2 và tương đương tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên còn thấp, mới đạt trung bình 10% (chỉ tiêu cần đạt của Bộ Y tế đến năm 2020 là 20%). Tỷ lệ bác sỹ có trình độ trên đại học tại các bệnh viện tuyến tỉnh còn lại chưa đạt yêu cầu của Bộ Y tế. Do vậy, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, phục vụ bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Công tác chỉ đạo tuyến của các trung tâm y tế huyện đối với các trạm y tế cấp xã chưa được coi trọng; chất lượng khám bệnh, chữa bệnh đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Việc bố trí số giường bệnh theo kế hoạch chưa phù hợp so với nhu cầu thực tế khám chữa bệnh dẫn đến tình trạng quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khám chữa bệnh và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch, có lộ trình cụ thể thực hiện các giải pháp khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế, bất cập về công tác khám chữa bệnh hiện nay. Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích đào tạo, thu hút các chuyên gia y tế giỏi có trình độ cao về công tác tại tỉnh. Qua đó, đảm bảo đến năm 2020 đạt số lượng bác sỹ chuyên khoa I, thạc sỹ, chuyên khoa II và tiến sỹ tại các tuyến theo quy định của Bộ Y tế.

Mặt khác, xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển các cơ sở khám chữa bệnh đa khoa, chuyên khoa, điều dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các cơ sở y tế đầu tư mở rộng, nâng cấp, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Cùng với đó, triển khai rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch, mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh từ tỉnh đến cơ sở. Từ đó, điều chỉnh quy hoạch lại cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phù hợp với quy định hiện hành và tình hình thực tế. Đẩy mạnh phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh trên địa bàn tỉnh ở các lĩnh vực: ung bướu, tim mạch, sản, nhi, ngoại chấn thương và các lĩnh vực khác; phát triển mạng lưới khoa vệ tinh ở các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện.

Đặc biệt, phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu phù hợp trong các lĩnh vực chuyên khoa và các tuyến; bảo đảm tỷ lệ bác sỹ, dược sỹ trên vạn dân, tỷ lệ giữa bác sỹ và điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên theo lộ trình. Đồng thời, chú trọng phát triển nhân lực y tế có trình độ cao nhằm có những chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên khoa và các tuyến. Đẩy nhanh lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trên địa bàn tỉnh cùng với tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân./.

 

BT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN