Vĩnh Phúc: Đổi mới phương thức lãnh đạo
(ĐCSVN) - Giải thể 137/137 chi bộ cơ quan xã, 126/127 chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn; phân công cán bộ, đảng viên các cấp về dự sinh hoạt chi bộ khu dân cư. Giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo hướng về cơ sở này được tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện từ năm 2017, mang đến tác động đa chiều. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ trực tiếp cọ xát thực tiễn, nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực công tác.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đó, giải pháp này còn nhiều hạn chế trong cách tổ chức thực hiện. Cụ thể như một số cán bộ, đảng viên về dự sinh hoạt còn mang tính chiếu lệ, hình thức, nhiều vấn đề ở cơ sở còn tồn tại, chưa được tháo gỡ, giải quyết, gây bức xúc và bất bình trong dân.
Ảnh minh họa (Ảnh: P.V) |
Tại một buổi sinh hoạt chuyên đề bàn về việc xây dựng rãnh thoát nước của thôn Xuân Phong, xã Xuân Lôi (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), đảng viên Vũ Kim Hạnh (Chi bộ thôn Xuân Phong) cho biết, thực tế đến bây giờ, ở địa phương, có nhiều vấn đề bàn thảo tại chi bộ cũng chỉ để cho có. đã có từ lâu, nhưng việc triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân với nội dung cụ thể thì chưa. Minh chứng chính là việc xây dựng rãnh thoát nước mà đang bàn. Đồng chí Trần Hùng Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Lôi nêu rõ, xã đã thu 3,6 triệu đồng nhưng không làm. Khó khăn mà chúng ta phải giải quyết là vốn nhân dân phải huy động đóng góp. Chúng ta họp bàn, ra nghị quyết là chúng ta phải thực hiện chứ không phải chúng ta họp ra nghị quyết mà chúng ta bỏ lửng được. Thực tế, không chỉ các hộ dân ở thôn Xuân Phong, rất nhiều hộ dân khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị việc cải tạo, xây dựng rãnh thoát nước thời gian qua tiến hành chậm chễ, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tiền của của dân. Nghị quyết HĐND tỉnh yêu cầu khẩn trương thực hiện xây dựng, cải tạo hệ thống cống rãnh thoát nước. Chi phí nguyên vật liệu xây dựng được trích từ ngân sách, người dân tham gia hiến đất và ngày công.
Là lần thứ hai về tham dự cuộc sinh hoạt chi bộ thôn Xuân Phong, ngoài việc lắng nghe ý kiến đảng viên, đồng chí Nguyễn Mạnh Tưởng, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm UBKT huyện ủy Lập Thạch đã tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình và góp ý kiến định hướng công tác chỉ đạo đối với cấp ủy chi, đảng bộ. Đồng chí Nguyễn Mạnh Tưởng chỉ rõ, các đồng chí phải bàn cho rõ lộ trình. Đối với rãnh thoát nước là từ nay đến năm 2021, thủy vực đến năm 2025 thì tranh thủ trong năm 2020-2021 chúng ta làm đi. Một khi Nghị quyết HĐND hết hiệu lực thì chúng ta không có cơ chế nữa.
Với đồng chí Nguyễn Mạnh Tưởng, việc về cơ sở không chỉ giúp đồng chí nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân, mà còn là cơ hội trải nghiệm thực tiễn, trau dồi và rèn luyện năng lực lãnh đạo.
Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Tưởng, năm 2019 sắp qua đi, chúng ta không tranh thủ được là chúng ta không có thời cơ. Do vậy đề nghị với chi bộ là bàn rõ ràng, cụ thể tập trung làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân để tạo nên cái đồng thuận cao nhất, để triển khai đạt hiệu quả cao nhất.
Huyện ủy Lập Thạch định kỳ mỗi quý một lần, cử cán bộ và thành lập các tổ công tác về sinh hoạt ở chi bộ cơ sở, góp phần giải quyết bức xúc trong dân. Đơn thư khiếu nại tố cáo vượt cấp nhờ đó cũng giảm. Cán bộ về cơ sở cũng là cách kiểm tra, giám sát thường xuyên của đảng ủy cấp trên đối với đảng ủy cấp dưới. Từ đó, giúp cho cấp ủy các cấp có định hướng lãnh đạo chỉ đạo sát với thực tiễn, tránh được bệnh quan liêu, xa dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Còn đối với cấp ủy cơ sở, hiệu quả mang lại là nề nếp, nội dung, phương pháp tổ chức sinh hoạt bài bản và chất lượng hơn. Ngay cả khâu tổ chức hoạt động, cũng được các đồng chí lãnh đạo cấp trên định hướng rõ nét. Tiếp cận thực tế, phát hiện những vấn đề nảy sinh từ cơ sở, thì buộc cán bộ nếu không giải quyết được thì cũng phải về động não và phải tham mưu được cho Ban Thường vụ. Cũng là dịp để các đồng chí học tập kinh nghiệm và hạn chế được tính hình thức.
Tương tự, thôn Kiên Tràng, xã Tam Quang, huyện Tam Đảo có diện tích 171ha với 400 hộ với 1360 nhân khẩu. Người dân từ năm 2005 đến nay vẫn dùng nguồn điện do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Tuyên cung cấp. Do nguồn điện quá yếu, cứ ba giờ chiều, bà Đỗ Thị Thức đã phải đặt nồi cơm tối. Nhà bà lúc nào cũng đầy đủ đèn pin phòng trường hợp điện yếu. Bà Thức cho biết, dân ở đây quá cần điện, nhưng vì nguồn điện quá yếu không đủ điện sinh hoạt, cũng không thể bảo đảm cho hoạt động sản xuất của bà con nơi đây.
Đồng chí Trần Bá Sơn (đảng viên chi bộ thôn Kiên Tràng) cho biết, khi Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Tuyên bắt đầu cung cấp chỉ có 200 hộ dân, giờ lên 400 hộ dân nên điện rất yếu. Máy móc là không hoạt động được, thậm chí ti vi có lúc không lên được, điện thì đỏ. Tình trạng “trên điện dưới đèn” vẫn còn tiếp diễn.
Với những kiến nghị của chi bộ thôn Kiên Tràng và UBND xã Tam Quang, huyện Tam Đảo đã mời đồng chí Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trực tiếp về dự sinh hoạt chi bộ thôn để nắm bắt tình hình. Sau đó, đồng chí Vũ Chí Giang đã có ý kiến chỉ đạo Sở Công thương, Sở Điện lực Vĩnh Phúc vào cuộc. Ngày 5-6-2019 một biên bản làm việc ký kết giữa các bên trong đó xác định Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Tuyên có trách nhiệm nâng cấp lưới điện hạ cấp cho thôn Kiên Tràng để cấp điện bảo đảm chất lượng cho nhân dân, và báo cáo với UBND xã Tam Quan, UBND huyện Tam Đảo và Sở Công thương trước ngày 10-7-2019…
Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Nguyễn Phú Sơn cho rằng, khi đã nhận được các kiến nghị của địa phương thì người đứng đầu cấp ủy ở địa phương cũng phải vào cuộc. Các sở ban ngành cũng phải vào cuộc và cán bộ đi dự các đồng chí tổ trưởng tổ công tác cũng phải theo đuổi trường hợp này. Tránh trường hợp lắng nghe xong, báo cáo xong là coi như xong việc. Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu theo dự định kỳ như thế và hướng tiếp theo là dự tiếp ở đơn vị, tránh việc dự kỳ này dự ở đơn vị này, kỳ sau tiếp thu ở đơn vị khác để mà giải quyết dứt điểm một sự việc, một sự vụ và một kiến nghị cho nó thành công. Chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo hướng về cơ sở của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc là đúng đắn, thiết thực. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự đạt hiệu quả khi đến được đích cuối cùng là tháo gỡ những khó khăn, tồn đọng ở cơ sở và bảo đảm điều kiện dân sinh cho người dân.