Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: Cụ thể hóa 5 nhiệm vụ trong tâm, 3 khâu đột phá

Thứ Ba, 14/12/2021 11:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân trong tỉnh, năm 2021, kinh tế Vĩnh Phúc tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, phấn đấu là “vùng xanh” trong phát triển kinh tế.

 Ảnh minh họa (Nguồn: C.P)

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII với 5 nhiệm vụ trong tâm, 3 khâu đột phá; trong đó có 20 nhiệm vụ về phát triển kinh tế, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành tháo gỡ khó khăn cho SXKD, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực phát triển KT- XH; đồng thời, triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID – 19.

Năm 2021, làn sóng dịch COVID – 19 lần thứ 4 bùng phát, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế cả nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 02 thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH và dự toán ngân sách năm 2021 với 6 nhóm trọng tâm chỉ đạo điều hành, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung.

Trong đó, tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp dừng sản xuất, công nhân mất việc làm trong thời gian có dịch.

Chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các công trình, dự án trọng điểm, dự án lớn, tạo động lực phát triển kinh tế, giải quyết việc làm.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào cải cách thủ tục hành chính (TTHC), vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN, vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID – 19.

Vượt qua khó khăn, với các giải pháp đồng bộ, kịp thời, năm 2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 32.000 tỷ đồng, vượt 4,5% dự toán và chỉ giảm 1,5% so với cùng kỳ.

Tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 86.000 tỷ đồng (tăng 7,3% so với năm 2020); trong đó, giá trị sản xuất một số lĩnh vực có mức tăng trưởng mạnh như: Linh kiện điện tử; quần áo; gạch ốp lát...; quy mô GRDP dự kiến đạt 135,1 nghìn tỷ đồng (tăng 9,3% so với năm 2020), đưa giá trị GRDP bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt 113,4 triệu đồng/người/năm (tăng 7,9 triệu đồng so với năm 2020).

Với các chính sách ưu tiên, hỗ trợ đặc thù dành cho DN, năm 2021, tỉnh thu hút được 50 dự án mới, trong đó có 30 dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 932 triệu USD, (tăng 37,6% so với năm 2020); 20 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đạt 13 nghìn tỷ đồng (tăng 44,7% so với năm 2020).

Lũy kế đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 433 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,1 tỷ USD; 822 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 106,4 nghìn tỷ đồng.

Để tạo sức bật trong phát triển KT – XH, trước những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ, quyết liệt trong điều hành, kịp thời giải quyết vướng mắc khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Dự kiến kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2021 toàn tỉnh đạt hơn 10.000 tỷ đồng, vượt 50% kế hoạch do Trung ương giao.

Trong năm, UBND tỉnh đã quyết định thành lập 6 KCN, 3 CCN; chủ trương đầu tư, xây dựng bổ sung hạ tầng kỹ thuật cho 3 KCN.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8 KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 50%. UBND tỉnh cũng định hướng cho DN, người dân chủ động điều chỉnh kế hoạch, phương thức kinh doanh phù hợp với tình hình mới, nhất là đối với các lĩnh vực: Du lịch dịch vụ; vận tải; nhà hàng, quán ăn...

Hỗ trợ người dân, DN duy trì SXKD, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID – 19, tỉnh chỉ đạo các TCTD triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn giảm lãi vay; tạm thời giữ nguyên nhóm nợ; giãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn; giảm lãi suất, phí, cho vay mới đáp ứng nhu cầu SXKD...

Nhờ vậy, mặc dù trong giai đoạn khó khăn, năm 2021, toàn tỉnh vẫn có có khoảng gần 1.200 DN thành lập mới, hơn 300 DN quay trở lại hoạt động (tăng 37% so với năm 2020).

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép, trở thành “vùng xanh” trong phát triển kinh tế cả nước với mục tiêu thu ngân sách năm 2022 đạt 33.000 tỷ đồng; GRDP tăng từ 8,5 – 9%; thu hút đầu tư đạt 450 triệu USD vốn FDI và 10.500 tỷ đồng vốn DDI, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng dịch COVID – 19, tạo nền tảng vững chắc phát triển KT- XH, ổn định đời sống nhân dân.

Đánh giá đúng tình hình để chủ động có giải pháp cụ thể, phù hợp và kịp thời đối với từng ngành, lĩnh vực, địa phương nhằm huy động cả hệ thống chính trị, người dân và DN trên cả 2 mặt trận chống dịch và phát triển kinh tế.

Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021- 2025; trong đó tập trung hoàn thiện các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ giảm chi phí cho DN, trọng tâm là các lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn như du lịch, lưu trú, vận tải…, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động.

Kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo tiền đề cho phát triển KT – XH; tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19; đẩy mạnh CCHC, tập trung đơn giản hóa TTHC giúp giảm thời gian, chi phí cho người dân, DN.

Hướng dẫn và hỗ trợ các DN đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trong đó, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.

H.S

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN