Vĩnh Phúc: 5 giải pháp thúc đẩy bình đẳng trong đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2025
(ĐCSVN) – Theo ông Hoàng Anh - Phó trưởng Ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm thúc đẩy bình đẳng trong đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đã đề ra 5 giải pháp chủ yếu góp phần thực hiện muc tiêu chung của tỉnh: đến năm 2025, có 60% các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; 80% trở lên người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; 90% trở lên người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn...
Thuận lợi và khó khăn của công tác bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS Vĩnh Phúc
Thời gian qua, việc thi hành Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ tạo mọi điều kiện cho giới nữ tự vươn lên bằng năng lực, trí tuệ, bản lĩnh của mình; các tầng lớp phụ nữ phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác. Đặc biệt, thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số được lãnh đạo tỉnh đến các địa phương đặc biệt quan tâm.
Nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về bình đẳng giới được nâng lên; việc quy hoạch, tạo nguồn, đề bạt, bố trí sử dụng, bổ nhiệm cán bộ nữ trẻ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số ngày được quan tâm, chú trọng; các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, dân số kế hoạch hóa gia đình, xây dựng đời sống văn hóa, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển.
Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc về sơ kết tình hình thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số’’ giai đoạn 2018-2021 trên địa bàn tỉnh chỉ rõ, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Vĩnh Phúc phát triển ổn định, chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, kịp thời, đồng bào DTTS ổn định cuộc sống. Đáng chú ý, công tác giảm nghèo được quan tâm đầu tư có hiệu quả; các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất trong những năm qua, đến nay đã phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Đây chính là nền tảng thuận lợi cho địa phương triển khai công tác bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi, cũng phải thừa nhận vẫn còn hạn chế, khó khăn khi các hoạt động triển khai, phổ biến kiến thức bình đẳng giới chưa phong phú về nội dung. Một số cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở cơ sở còn lúng túng trong việc tham mưu, triển khai thực hiện mục tiêu, kế hoạch về lĩnh vực bình đẳng giới. Tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo và số cán bộ công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ ở cơ sở có tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ nhưng chưa nhiều. Mặt khác, nhận thức về vấn đề bình đẳng giới tuy đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn không ít tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ trong dân đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Từ đó, việc thực hiện Luật Bình đẳng giới trong gia đình và ngoài xã hội còn hạn chế.
Bên cạnh đó, lao động nữ vẫn chiếm số đông ở lĩnh vực chuyên môn không đòi hỏi kỹ thuật cao, có thu nhập thấp và việc làm thiếu ổn định. Đội ngũ cán bộ công chức nữ đã tăng cả về số lượng và chất lượng nhưng còn thấp so với nam giới. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ nữ ở một số nơi còn chưa được quan tâm đúng mức, chưa đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý. Nữ tham gia các cấp ủy Đảng tuy đã có tăng nhưng vẫn còn thấp so với nam giới.
Kinh phí đầu tư cho hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Đa số các Sở, ngành, địa phương không được bố trí cụ thể rõ ràng về kinh phí cho công tác bình đẳng giới. Một số địa phương đã được lãnh đạo cấp ủy, chính quyền bố trí kinh phí để thực hiện nhưng kinh phí còn eo hẹp nên hiệu quả các hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra, đặc biệt là các hoạt động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới chưa được phong phú, chưa tạo được điểm nhấn tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nguyên nhân của thực trạng trên được Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc chỉ rõ là do nhận thực về bình đẳng giới của đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa,vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế do trình độ dân trí còn thấp hơn so với vùng đồng bằng, thành thị; điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa, thông tin, truyền thông… còn khó khăn. Một số ngành, địa phương còn chưa thực sự quan tâm đến hoạt động quản lý nhà nước, hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số…
Tích cực tham gia công tác bình đẳng giới đối với đồng bào dân tộc thiểu số |
Tạo chuyển biến tích cực trong bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ vùng đồng bào DTTS trên địa bàn
Trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Vĩnh Phúc xác định rõ phương hướng triển khai bình đẳng giới với bà con DTTS, trong đó đặc biệt chú trọng tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng DTTS, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách an sinh xã hội của nhà nước và các tiêu chí thụ hưởng của các nhóm đối tượng. sinh xã hội của nhà nước và các tiêu chí thụ hưởng của các nhóm đối tượng. Tập trung hoạt động truyền thông giáo dục ở những vùng dân tộc tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và những nhóm đối tượng còn hạn chế trong thực hiện trách nhiệm của mình đối với công tác bảo trợ xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp các đối tượng yếu thế. Đổi mới và tăng cường công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Chú trọng nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, tỉnh.
Để làm được như vậy, theo ông Hoàng Anh, Ban Dân tộc tỉnh đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp dưới đây:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập của từng địa phương, nhằm chuyển biến nhận thức và hành vi của đồng bào các dân tộc thiểu số; lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, các tiểu phẩm tuyên truyền về pháp luật bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình và các nội dung liên quan đến yếu tố giới.
Thứ hai, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, ban giám hiệu các trường trung học phổ thông nội trúcác cấp, người có uy tín ở địa bàn có người dân tộc thiểu số sinh sống; Biên soạn tài liệu bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động bình đẳng giới phù hợp với từng nhóm đối tượng, điều kiện, trình độ và văn hóa dân tộc; Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, trưởng dòng họ trong đồng bào dân tộc thiểu số; huy động sự tham gia của cán bộ thôn, bản, học sinh tại các trường dân tộc nội trú và bán trú trong việc tuyên truyền, vận động, thực hiện bình đẳng giới trên địa bàn.
Thứ ba, hỗ trợ xây dựng và thực hiện các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các can thiệp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ phát triển kỹ năng xã hội và năng lực kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm văn hóa, phong tục của địa phương.
Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ, tài trợ nguồn lực và kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân ngoài nước; sự hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước để thực hiện các hoạt động bình đẳng giới của Đề án.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cấp tỉnh đến cấp xã để đảm bảo các chính sách, chương trình có hiệu quả.