Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vinalines chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần

Thứ Năm, 13/08/2020 18:18 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Từ ngày 1/9/2020, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ chính thức đổi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần mang thương hiệu VIMC.

Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần VIMC nhiệm kỳ 2020 - 2025 ra mắt Đại hội 

Ngày 13/8, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu của Công ty mẹ để chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (CTCP) với thương hiệu VIMC từ ngày 1/9/2020.

Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, việc chuyển đổi từ doanh nghiệp (DN) nhà nước sang công ty cổ phần là bước chuyển quan trọng trong quá trình phát triển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và dấu mốc quan trọng khẳng định kết quả tái cơ cấu của đơn vị này trong thời gian qua.

Tuy vậy, theo ông Hoàng Anh, đây chỉ là thành công bước đầu, thời gian tới, HĐQT, nhóm người đại diện vốn Nhà nước, Ban điều hành và các cổ đông của VIMC cần phối hợp tiếp tục hoàn tất thủ tục chuyển sang mô hình công ty cổ phần, đặc biệt các công việc liên quan đến đăng ký kinh doanh, quyết toán cổ phần hóa (CPH) theo đúng thời gian quy định.

Theo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, với nhiều nỗ lực, đầu năm 2018 phương án CPH Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đến ngày 20/6/2018, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt phương án CPH. Đây là cơ sở quan trọng cho việc triển khai phiên đấu giá cổ phần lần đầu của Tổng công ty với gần 6,4 triệu cổ phần đã được bán (trên tổng số gần 490 triệu cổ phần). Trong đó, có 5,4 triệu cổ phần được bán đấu giá công khai ra công chúng.

Việc chuyển đổi sang mô hình CTCP là bước chuyển quan trọng trong hoạt động VIMC, giúp tăng thêm nguồn lực Công ty mẹ - Tổng công ty tiến hành đổi mới hệ thống quản trị, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sức cạnh tranh, bảo đảm mục tiêu đến năm 2030, VIMC sẽ là DN giữ vị trí hàng đầu của ngành hàng hải VN, có năng lực cạnh tranh cấp quốc tế và tham gia chia sẻ thị trường khu vực.

Theo báo cáo kinh doanh trình Đại hội cổ đông, năm 2020, VIMC dự kiến đạt doanh thu 1.526 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là âm 1.024,8 tỷ đồng. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh, khó khăn hiện nay là dịch bệnh nên nhiều nước không tiếp nhận tàu hàng, làm suy giảm thị trường vận tải, doanh thu của các đội tàu giảm mạnh.

Tổng công ty đặt mục tiêu đến năm 2025, sản lượng vận tải biển đạt hơn 18 triệu tấn, sản lượng hàng thông qua cảng đạt gần 139 triệu tấn, tăng trưởng 5%, doanh thu - đạt hơn 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất hơn 1.230 tỷ đồng.

VIMC đang nắm giữ vốn tại 19 công ty con và 16 công ty liên kết, hiện sở hữu cổ phần của 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000 m cầu bến (chiếm khoảng 30% tổng số m cầu bến quốc gia). Trong đó có các cảng trọng điểm của cả nước như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng và cảng Quy Nhơn.

Đại hội đã bầu 5 thành viên vào HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ông Lê Anh Sơn đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh được bầu giữ chức Tổng giám đốc VIMC nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 Video năng lực và lĩnh vực của VIMC (Nguồn: vinalines.com.vn).

Được biết, quá trình CPH Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam bắt đầu từ năm 2014 với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là ngày 31/12/2013. Đến ngày 30/12/2016, Văn phòng Chính phủ có thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về kết quả tái cơ cấu và phương án cổ phần hóa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Tiếp đó, tháng 12/2017, Vinalines trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Phương án CPH Công ty mẹ - Tổng công ty. Ngày 28/12/2017, Bộ GTVT có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt phương án CPH Vinalines. Sau đó, ngày 16/3/2018, Bộ GTVT có công văn về việc hoàn chỉnh phương án CPH Công ty mẹ - Tổng công ty (yêu cầu xây dựng lại phương án CPH theo Nghị định số 126/2017 của Chính phủ).

Thực hiện theo chỉ đạo, Tổng công ty tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn điều chỉnh, cập nhật lại phương án CPH. Ngày 24/4/2018, Bộ GTVT có Quyết định phê duyệt, đồng thời, có Tờ trình trình Thủ tướng phê duyệt phương án CPH của Công ty mẹ - Tổng công ty. Ngày 20/6/2018, Thủ tướng ban hành Quyết định 751 phê duyệt phương án CPH Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Triển khai phương án CPH được phê duyệt, Vinalines đã thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và người lao động, tổ chức công đoàn và hoàn thành việc bán cổ phần vào tháng 10/2018. Kết quả, Vinalines đã bán được 5,4 triệu cổ phần trong gần 490 triệu cổ phần phát hành.

Gần 2 năm sau thời điểm IPO (5/9/2018), cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải VN mới cán đích bởi nhiều nguyên nhân như: sự thay đổi của văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các DN nhà nước. Tiếp đến là việc chuyển đại diện chủ sở hữu nhà nước từ Bộ GTVT sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN./.

Tin, ảnh, video: Kim Cương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN