Việt Yên (Bắc Giang) khai hội truyền thống chùa Bổ Đà
(ĐCSVN)- Ngày 31- 3, (tức 15-2 âm lịch), UBND huyện Việt Yên tổ chức lễ đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Mộc bản chùa Bổ Đà là Bảo vật quốc gia và khai hội truyền thống chùa Bổ Đà năm 2018.
Tại buổi lễ đại diện lãnh đạo huyện Việt Yên đã khái quát quá trình hình thành, giá trị tiêu biểu chùa Bổ Đà: Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay ngôi chùa vẫn là kho tàng di sản văn hoá quý giá của cộng đồng, bao gồm: Hệ thống tượng thờ, văn bia, chuông đồng, hoành phi, câu đối, đồ thờ... Đặc biệt chùa Bổ Đà là kho mộc bản và các thư tịch do các vị thiền sư phái Lâm Tế san khắc thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) và các giai đoạn sau này. Tiêu biểu có các bộ kinh: Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy… Đến nay bộ mộc bản vẫn còn khá nguyên vẹn với gần 2 nghìn bản khắc bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Phạn. Những văn kinh khổ lớn còn in, khắc sớ, điệp dùng để thực hiện các nghi lễ trong nhà chùa. Trên những tấm mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng. Nổi bật trong số đó là hình khắc Phật Tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán…
Với những giá trị đó, ngày 25-12- 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2089/QĐ-TTg, công nhận Mộc bản chùa Bổ Đà là Bảo vật quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc trong tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Việt Yên nói riêng. Trước đó, chùa Bổ Đà đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, Lễ hội Bổ Đà là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, vườn tháp chùa lớn nhất Việt Nam…
Các danh hiệu trên có ý nghĩa quan trọng tôn thêm những nét đặc sắc, độc đáo của di tích. Thời gian tới, huyện Việt Yên sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng lập phương án bảo tồn, phát huy giá trị chùa nói chung, Mộc bản nói riêng gắn với phát triển du lịch.