Việt Nam xứng đáng được ghi nhận trong cuộc chiến chống COVID-19
(ĐCSVN) - Trang tin Business Insider của Mỹ vừa đăng bài viết đánh giá cao hiệu quả của Việt Nam trong phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Bài báo dẫn một kết quả từ viện Lowy (Australia) cho thấy Việt Nam xếp thứ hai trong số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ về hiệu quả chống dịch. Trong đó, việc truy vết đang được thực hiện tốt khiến Việt Nam khó có nguy cơ phải đối mặt với kịch bản bị phong tỏa trên diện rộng.
Tờ Businness Insider đăng hình ảnh về hoạt động xét nghiệm COVID-19 cho lực lượng phục vụ Đại hội XIII của Đảng, ngày 29/1/2021. |
Bài viết trên Business Insider tập trung vào 3 nội dung chính, đó là cho tới nay, Việt Nam mới chỉ ghi nhận số ca nhiễm và tử vong khiêm tốn vì COVID-19, so với quy mô dân số lên tới 97 triệu người. Bài báo tin tưởng rằng, dựa vào những kinh nghiệm đúc rút từ quá khứ, Việt Nam đã đề ra một kế hoạch dài hạn để đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh. Trong đó, việc truy vết, xét nghiệm mang tính chiến lược, cùng việc phát đi những thông điệp rõ ràng và ý thức đeo khẩu trang nơi công cộng của người dân khiến Việt Nam khó có nguy cơ phải đối mặt với kịch bản phong tỏa trên diện rộng.
Theo bài báo, thông qua việc sử dụng mô hình chi phí thấp và thực hiện các biện pháp an toàn cơ bản, trong đó có rửa tay và đeo khẩu trang, Việt Nam có thể kiểm soát khá hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Không có nước nào có cùng quy mô hoặc dân số như vậy lại kiểm soát hiệu quả được dịch COVID-19 giống như Việt Nam. Dù có chung đường biên giới với Trung Quốc, Campuchia và Lào, nhưng câu chuyện thành công của Việt Nam là một điều đáng tự hào.
Bài viết dẫn kết quả xếp hạng do viện Lowy cho thấy Việt Nam là nước thành công thứ 2 trong số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ về đối phó với đại dịch COVID-19, chỉ sau New Zealand. Trong khi Mỹ đứng thứ 94 trong bảng xếp hạng.
Ông Guy Thwaites - Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm và Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam cũng khẳng định trên trang tin Mỹ rằng, chính phủ Việt Nam đã phản ứng “rất nhanh chóng và mạnh mẽ” trước đại dịch COVID-19.
“Các trường học đã bị đóng cửa và việc tiếp nhận các chuyến bay quốc tế cũng bị hạn chế… Chính phủ Việt Nam đã thực hiện những biện pháp đơn giản trên một cách nhanh chóng… Chính phủ đã thực hiện cách tiếp cận quyết liệt để loại bỏ virus… Các biện pháp cơ bản đã được thực hiện dù không mấy dễ dàng. Song khi người dân đặt niềm tin ở chính phủ thì họ sẽ nghe theo những khuyến cáo từ chính phủ” – Giáo sư Thwaites khẳng định.
Còn theo ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, thì 3 yếu tố mang lại thành công chống dịch cho Việt Nam gồm: truy vết nguồn lây, triển khai xét nghiệm và đưa ra thông điệp hướng dẫn rõ ràng. Thay vì xét nghiệm toàn dân, Việt Nam chỉ xét nghiệm những người từng tiếp xúc với nguồn lây. Biên giới cũng đóng cửa và bất kỳ ai nhập cảnh sẽ phải cách ly tập trung tại các cơ sở của chính phủ và miễn phí. Người dân Việt Nam đang học cách sống trong điều kiện “bình thường mới”, nhưng vẫn được khuyến nghị giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
Bên cạnh đó, ông Malhotra cũng bác bỏ những nghi ngờ cho rằng chính phủ Việt Nam đã không chia sẻ dữ liệu về dịch bệnh. Theo Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc thì “dữ liệu được ghi nhận ở thời gian thực tế và các biện pháp thực hiện cũng không dựa trên cơ sở ép buộc”.
Cũng theo Business Insider thì việc tuyên truyền thông điệp về phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam được thực hiện rất rõ ràng. |
Từ trải nghiệm thực tế của phóng viên Kate Taylor đã có mặt ở Việt Nam vào tháng 2 năm ngoái, khi mới chỉ có chưa đầy 20 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận, hãng tin Business Insider cho biết, phóng viên của họ đã chứng kiến một “sự đề cao những biện pháp an toàn như đeo khẩu trang, tuyên truyền nhận thức về những triệu chứng của COVID-19 và kiểm tra thân nhiệt”.
Từ những lập luận trên, hãng truyền thông Mỹ cho rằng, cách tiếp cận của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 xứng đáng được ghi nhận nhiều hơn nữa. Với vị trí địa lý và tỷ lệ dân số cao, Việt Nam có nguy cơ trở thành điểm nóng dịch bệnh. Song chỉ bằng áp dụng một mô hình chi phí thấp và các biện pháp an toàn cơ bản như rửa tay và đeo khẩu trang, Việt Nam đã kiềm chế thành công đại dịch chỉ trong vài tháng. Theo tờ Business Insider thì không một quốc gia nào với quy mô dân số tương tự như Việt Nam lại có thể kiềm chế được virus theo cách mà Việt Nam đã từng làm./.