Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Việt Nam ủng hộ các nỗ lực trong chống phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân

Thứ Sáu, 01/12/2023 16:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc tái khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam ủng hộ các nỗ lực trong chống phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân nhằm hướng tới thế giới phi vũ khí hạt nhân. Việt Nam là thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong lĩnh vực này.

Hội nghị lần thứ hai các nước thành viên Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân 

Từ ngày 27/11 - 1/12, tại trụ sở Liên hợp quốc, New York (Hoa Kỳ), hội nghị lần thứ hai các nước thành viên Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) được tổ chức với sự tham gia đông đảo của các nước thành viên, quan sát viên và đại diện nhiều tổ chức quốc tế và khu vực.

Tại hội nghị, nhiều nước quan ngại về xu hướng tăng cường vũ trang và hiện đại hoá vũ khí hạt nhân đồng thời nhấn mạnh hậu quả nhân đạo thảm khốc do vũ khí hạt nhân gây ra đối với con người và môi trường. Trong bối cảnh đó, các nước kêu gọi cần tiếp tục thúc đẩy sự tham gia ký, phê chuẩn và gia nhập Hiệp ước để góp phần đạt mục tiêu thế giới phi vũ khí hạt nhân.

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cho rằng môi trường an ninh quốc tế hiện nay đang gặp nhiều thách thức nghiêm trọng và bày tỏ lo ngại về mức độ huỷ diệt và hậu quả nhân đạo của vũ khí hạt nhân.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại hội nghị

Trong bối cảnh đó, Đại sứ nhấn mạnh cần tăng cường củng cố lòng tin chiến lược, trong đó điều cốt lõi là phải thúc đẩy việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tăng cường cơ chế quốc tế về giải trừ quân bị và chống phổ biến. Việc xoá bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là lợi ích chung của toàn nhân loại và cần nỗ lực, quyết tâm chính trị của tất cả các quốc gia.

Để triển khai Hiệp ước TPNW hiệu quả, Đại sứ Đặng Hoàng Giang kêu gọi các nước thành viên Hiệp ước cần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo Hiệp ước TPNW; các nước chưa phải thành viên sớm ký, phê chuẩn và gia nhập Hiệp ước, góp phần phổ quát hoá Hiệp ước. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục đề cao ý nghĩa quan trọng của Hiệp ước TPNW, nâng cao nhận thức chung của cộng đồng quốc tế về hậu quả của vũ khí hạt nhân, thúc đẩy hợp tác quốc tế về xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển.

Ngoài việc cần tiếp tục thúc đẩy thương lượng các thoả thuận quốc tế về bảo đảm an ninh cho các nước không có vũ khí hạt nhân và xây dựng Hiệp ước về cắt giảm vật liệu phân hạch, Đại sứ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các khu vực phi vũ khí hạt nhân đối với hoà bình, an ninh quốc tế và khu vực.

Theo đó, Việt Nam hoan nghênh các nước sở hữu vũ khí hạt nhân ký và phê chuẩn không kèm bảo lưu đối với Nghị định thư của Hiệp ước phi vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á nhằm góp phần đạt được mục tiêu thế giới phi vũ khí hạt nhân.

Nhân dịp này, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc tái khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam ủng hộ các nỗ lực trong chống phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân nhằm hướng tới thế giới phi vũ khí hạt nhân. Việt Nam là thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong lĩnh vực này; đồng thời là một trong 10 nước đầu tiên phê chuẩn TPNW và đã khai báo theo nghĩa vụ Điều 2 Hiệp ước đúng thời hạn. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 81 năm 2019 thiết lập khuôn khổ pháp lý quốc gia quan trọng trong phòng chống vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) là hiệp ước về giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương đầu tiên có hiệu lực kể từ năm 1990 đến nay. Đây là văn kiện có ý nghĩa quan trọng, lần đầu tiên trong lịch sử đặt ra nghĩa vụ ràng buộc về pháp lý toàn diện đối với các quốc gia thành viên về việc cấm hoàn toàn sở hữu, phát triển, tàng trữ, sử dụng vũ khí hạt nhân.

Hiệp ước TPNW chính thức có hiệu chính thức kể từ ngày 22/01/2021, hiện có 69 quốc gia phê chuẩn/gia nhập và 93 quốc gia ký. Hiệp ước được thông qua tại Hội nghị Liên hợp quốc đàm phán văn kiện pháp lý ràng buộc về cấm và hướng tới loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân tổ chức tại New York (Mỹ) từ ngày 15/6-7/7/2017.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN