Việt Nam tham gia thủ tục tư vấn về biến đổi khí hậu tại Toà án quốc tế về Luật Biển
(ĐCSVN) - Việt Nam đã chính thức đệ trình ý kiến tham gia thủ tục của Toà án quốc tế về Luật Biển (TALB) cho ý kiến tư vấn về nghĩa vụ của các quốc gia trong bảo vệ môi trường biển liên quan đến biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN) |
Ngày 12/12/2022, Ủy ban các nước đảo nhỏ về biến đổi khí hậu và luật pháp quốc tế yêu cầu Toà án quốc tế về Luật Biển (TALB) làm rõ nghĩa vụ của các nước trong mối liên hệ giữa môi trường biển và ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu (như mực nước biển dâng, sự ấm lên của đại dương và a-xít hoá đại dương).
Toà đã đề nghị các nước, tổ chức thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các tổ chức quốc tế liên quan đưa ra ý kiến đối với yêu cầu của Ủy ban.
Đến nay, đã có 34 thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, 9 tổ chức quốc tế và 10 tổ chức, cơ quan khác đưa ra ý kiến, bao gồm cả Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU).
Đa phần các ý kiến ủng hộ việc Toà có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn trong vụ việc này và cho rằng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 về bảo vệ, bảo tồn và chống ô nhiễm môi trường biển áp dụng với việc con người phát thải khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường biển.
Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các nước có nghĩa vụ ngăn ngừa, giảm thiểu, kiểm soát việc phát thải khí nhà kính do con người gây ra, bảo tồn và bảo vệ môi trường biển trong bối cảnh tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu.
Nhiều nước đang phát triển cũng khẳng định mặc dù cả cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng các nước phát triển cần đi đầu trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, chịu trách nhiệm trước tiên về lượng khí nhà kính đã và đang tiếp tục phát thải, và cần hỗ trợ các nước đang phát triển trong quá trình này về năng lực và tài chính.
Trong vụ việc này, Việt Nam chung quan điểm với các nước đang phát triển, đồng thời khẳng định nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến biến đổi khí hậu phải được giải thích và thực hiện phù hợp với nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng khác biệt”.
Theo nhiều nghiên cứu của các tổ chức, cơ quan uy tín trên thế giới, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất do biến đổi khí hậu, bao gồm thiên tai, lũ lụt và mực nước biển dâng.
Việc tham gia vào thủ tục tại TALB là một trong nhiều nỗ lực của Việt Nam gần đây cùng cộng đồng quốc tế tìm tiếng nói chung thông qua các biện pháp ngoại giao, pháp lý để ứng phó biến đổi khí hậu.
Song song với vụ việc này, trong tháng 3/2023, Việt Nam cũng cùng các nước thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc, yêu cầu ý kiến tư vấn của Toà án Công lý quốc tế (ICJ) để làm rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của các nước liên quan đến vấn đề này.
Đến nay, đây là một trong các vụ việc xin ý kiến tư vấn tại các cơ quan xét xử quốc tế có nhiều quốc gia, tổ chức tham gia nêu ý kiến nhất. Điều này thể hiện sự cấp bách, mối quan tâm, lo ngại của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hệ lụy lớn trên toàn cầu, điển hình như các đợt nóng kỷ lục được ghi nhận tại khắp các châu lục trong những tuần gần đây, hay lũ lụt, bão ở các nước.
Đồng thời, vụ việc này cũng thể hiện các nước coi trọng và đề cao Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, khẳng định Công ước này là khuôn khổ pháp lý chung nhất, điều chỉnh mọi hoạt động trên biển, bao gồm cả những thách thức nổi lên sau khi Công ước được thông qua, như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Dự kiến, phiên thảo luận tại TALB vào ngày 11/9 tiếp tục thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế với sự tham gia của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế./.