Việt Nam tập trung xoá mù chữ cho người dân tộc thiểu số
(ĐCSVN) - Được giáo dục và đào tạo là một quyền cơ bản được ghi nhận trong Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc. Thực hiện Công ước, Việt Nam đang tập trung xoá mù chữ cho người dân tộc thiểu số.
Hiện nay, cả nước vẫn còn trên 1 triệu người trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi mù chữ mức độ 1 và trên 2 triệu người mù chữ mức độ 2, tập trung chủ yếu là người dân tộc thiểu số (DTTS), nữ giới.
Lớp học xoá mù chữ cho phụ nữ dân tộc Mông ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình (Ảnh: CTV) |
Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số cho thấy, còn nhiều thách thức lớn trong việc xoá mù chữ đối với nhóm người dân tộc thiểu số trưởng thành.
Hiện còn 19,1% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt (tương đương với khoảng 1,89 triệu người). Một số tỉnh có tỷ lệ người trong độ tuổi lao động mù chữ rất cao như: Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang.
Một số nhóm dân tộc thiểu số: Hà Nhì, Cơ Lao, Brâu, Mảng, Lự, La Hủ có trên 50% dân số không biết chữ.
Mặc dù vậy nhưng nhiều địa phương không huy động được người ra học xóa mù chữ như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Tuyên Quang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, An Giang.
Một số địa phương khác còn nhiều người mù chữ nhưng huy động được ít người ra học xóa mù chữ gồm: Tiền Giang, Cà Mau, Đắk Lắk, Gia Lai, Thanh Hóa, Ninh Thuận.
Đến nay, cả nước còn 15 tỉnh chưa đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, gồm: Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Bình Phước, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang và Cà Mau.
Chị Giàng Y Sáo, sinh năm 1988, ở thôn Chà Đáy, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình tâm sự, mặc dù biết mù chữ là thiệt thòi nhưng bản thân chị rất ngại tham gia các lớp học xoá mù chữ vì đang trong độ tuổi lao động, lại là lao động chính trong gia đình. Hơn nữa, ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số, bà con sống rải rác, gia cảnh kinh tế cơ bản còn khó khăn, ngày ngày vất vả lao động mưu sinh, tối về mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi để mai lại lao động tiếp nên không còn nhiệt tình tới lớp.
Tâm sự này của chị Sáo có lẽ cũng là tâm lý chung của đồng bào dân tộc thiểu số hiện đang mù chữ. Bên cạnh đó, ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện đang tồn tại một số vấn đề xã hội có tác động trực tiếp đến việc xoá mù chữ, chẳng hạn như hiện tượng tảo hôn, di cư tự do, vượt biên trái phép đi lao động ở nước ngoài…
Những người phụ nữ dân tộc thiểu số chia sẻ, mặc dù biết mù chữ là thiệt thòi nhưng các chị rất ngại tham gia các lớp học xoá mù chữ vì đang trong độ tuổi lao động, lại là lao động chính trong gia đình (Ảnh: Phương Liên) |
Ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, thời gian học xoá mù chữ phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết và một số phong tục, tập quán của người dân; một bộ phận học viên sau khi xoá mù chữ do ít sử dụng nên tái mù chữ trở lại…
Được giáo dục và đào tạo là một quyền cơ bản được ghi nhận trong Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) mà Việt Nam là quốc gia thành viên từ năm 1982.
Biết đọc, biết viết là một công cụ quyền lực của cá nhân, là một yếu tố phát triển xã hội và con người. Xóa mù chữ mở ra khả năng tiếp cận với giáo dục, là điều kiện tiên quyết cho việc học tập rộng hơn các kiến thức, kỹ năng, thái độ và những giá trị cần thiết khác nhằm góp phần xây dựng xã hội phát triển bền vững.
Để giảm tỷ lệ người mù chữ hiệu quả, bền vững, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ dự kiến bố trí trên 8.480 tỷ đồng để thực hiện Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có Tiểu dự án 1: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ xoá mù chữ cho người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Tại Thông tư 55/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã cho phép chi hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ.
Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và trong phạm vi ngân sách nhà nước được giao, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể nội dung, mức hỗ trợ để khuyến khích người dân tham gia học xóa mù chữ.
Phải khẳng định rằng, nhiều năm qua, ở nước ta, phong trào xóa mù chữ đã ghi nhận những kết quả tích cực, nhất là xoá mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Trung bình mỗi năm huy động được khoảng 30 nghìn người từ 15 - 60 tuổi mù chữ tham gia các lớp xoá mù chữ và những người đang học dở lớp 4,5 tham gia các lớp học giáo dục tiếp sau khi biết chữ.
Năm học 2022 - 2023, cả nước đã huy động được hơn 32.000 người học các lớp xóa mù chữ, tăng hơn 12.000 người so với năm học trước, góp phần duy trì bền vững thành quả công tác xóa mù chữ tại Việt Nam.
Một số địa phương đã vận động người mù chữ ra các lớp xóa mù chữ đạt kết quả đáng khích lệ như: Hà Giang 5.897 học viên, Lai Châu 5.176 học viên, Lào Cai 2.325 học viên, Yên Bái 2.088 học viên, Sơn La 2.303 học viên, Lạng Sơn 1.269 học viên, Thành phố Hồ Chí Minh 1.547 học viên, Điện Biên 1.416 học viên, Thừa Thiên - Huế 1.176 học viên...
Hiện nay, tỷ lệ người trong độ tuổi 15 - 60 tuổi biết chữ mức độ 1 và mức độ 2 ở nước ta lần lượt là 98,85% và 97,29%. Cả 63/63 tỉnh, thành phố đều đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 48/63 tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, trong đó có 4 tỉnh nâng chuẩn xóa mù chữ từ mức độ 1 lên mức độ 2 so với năm học 2021 - 2022 gồm: Phú Yên, Kiên Giang, Sóc Trăng và Quảng Nam.
Bà Triệu Mùi Gỉn (trái) ở thôn 4, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã biết đánh vần sau khi hoàn thành khóa học xoá mù chữ (Ảnh: Thanh Hằng) |
Đẩy mạnh xóa mù chữ bậc tiểu học và hướng đến phổ cập xóa mù chữ bậc trung học cơ sở vừa thể hiện Việt Nam tôn trọng, bảo đảm, thúc đẩy quyền được giáo dục đào tạo cho mọi người dân, trong đó có người DTTS đã được ghi nhận trong Công ước xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tạo cơ hội học tập cho thanh, thiếu niên và người lớn tuổi được đi học hoặc bỏ học ở tiểu học giữa chừng có thể đạt trình độ tiểu học. Qua đó, cung cấp những kiến thức cơ bản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tăng khả năng lao động, sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống./.