Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 

Trong hệ thống di sản văn hoá, vật thể, phi vật thể của Hà Nội, các lễ hội truyền thống là một mảng màu văn hóa in đậm dấu ấn lịch sử - văn hóa đã được kế thừa, lưu truyền qua nhiều thế hệ người dân ở vùng đất Thăng Long - Hà Nội, tiêu biểu như: Hội Gióng, Lễ hội Đống Đa, Lễ hội Cổ Loa, Hội Chùa Thầy, hội Thổi cơm thi làng Thi Cấm…

Các lễ hội truyền thống tại Hà Nội luôn gắn kết với hình tượng các nhân vật lịch sử, có công lao với đất nước, làng xã. Nội dung các lễ hội hầu hết đều toát lên tinh thần đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, phản ánh đậm nét vai trò của nhân dân - những người sáng tạo, kế thừa và trao truyền các sáng tạo văn hóa phi vật thể, họ là các chủ nhân chân chính của loại hình di sản quý giá này.

 Các ông Hiệu thực hiện nghi thức cổ trong Hội Gióng, huyện Gia Lâm - Hà Nội. Ảnh: Thế Dương.
 Nhân dân tham dự hội Gióng, làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Thế Dương.

Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc - một lễ hội tiêu biểu trong số hơn 7.000 lễ hội dân gian ở Việt Nam, diễn ra vào các ngày 9, 10 tháng 4 (Âm lịch) lưu giữ nhiều tầng lớp văn hóa tín ngưỡng, ẩn chứa hệ tư tưởng đạo lý và triết học. Thánh Gióng - một vị thánh trong Tứ bất tử của người Việt, được phụng thờ ở nhiều làng thuộc các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Từ Liêm, Thường Tín và quận Long Biên, Hà Nội.

Trong những ghi chép còn lại từ năm 1893, nhà nghiên cứu người Pháp G.Dumoutier đã viết: “Hội Gióng còn đọng mãi trong tâm trí mỗi người giống như một trong những cảnh tượng cảm động nhất mà chúng tôi chứng kiến ở vùng Bắc kỳ. Liệu rằng ở châu Âu già cổ của chúng ta người dân có còn tự hào làm lễ kỷ niệm một sự kiện lịch sử đã diễn ra hai nghìn ba trăm năm trước”.

 

Lý do chọn Huế làm Kinh đô của Việt Nam, Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã viết: “Nơi miền núi, miền biển đều họp về, đứng giữa miền Nam, miền Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng, đường thuỷ thì có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền sâu hiểm, đường bộ thì có Hoành Sơn, ải Hải Vân chặn ngang, sông lớn giăng phía trước, núi cao phủ phía sau, rồng cuộn hổ ngồi, hình thế vững chãi, ấy là do trời đất xếp đặt, thật là thượng đô...”.

Trong gần 400 năm (1558-1945), Huế là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Đến nay cố đô Huế vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.

 Nét vàng son cố đô. Ảnh: Thế Dương.
Huế trầm mặc, phảng phất nỗi niềm mênh mang. Ảnh: Thế Dương.

Suốt mấy thế kỷ qua, bao nhiêu tinh hoa cả nước chắt lọc hội tụ ở đây hun đúc một nền văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam để hoàn chỉnh một bức cảnh thiên nhiên, sông núi hữu tình thơ mộng...

Nằm giữa lòng Huế, bên bờ Bắc dòng Hương giang, hệ thống công trình kiến trúc triều Nguyễn vẫn bền vững trước bao biến động thời gian. Ba tòa thành Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế được bố trí đăng đối trên trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra Bắc, là sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với nhiều yếu tố tự nhiên giao hòa.

Cách thức tạo tác này hoàn hảo đến mức người ta mặc nhiên xem đó là những thực thể của Kinh thành Huế - đó là núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh... những cung điện, thành cổ trầm mặc nguy nga giao hòa với thiên nhiên, tạo nên những tiết tấu diệu kỳ khiến người ta quên đi dấu ấn con người đã tác động lên nó.

Nghệ thuật kiến trúc Huế nổi bật với các loại hình kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian, kiến trúc tôn giáo và kiến trúc đền miếu, kiến trúc truyền thống và kiến trúc hiện đại... Mỗi công trình trong quần thể di sản này là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, thể hiện những yếu tố triết lý, tâm linh và giá trị thẩm mỹ riêng, giúp Huế trở thành một “bài thơ" tuyệt tác.

Vùng đất sông Hương - núi Ngự hội tụ nhiều dòng âm nhạc đậm bản sắc Huế như dòng nhạc cung đình bác học, dòng nhạc dân gian, dòng nhạc tín ngưỡng tôn giáo, cùng với nền tảng thơ văn, mỹ thuật, lễ hội dân gian, làng nghề thủ công truyền thống góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân Huế. Lịch sử - văn hóa - thiên nhiên hòa quyện đã tạo nên một xứ Huế mộng mơ, man mác buồn, sâu lắng với mỗi du khách khi tới miền đất này.

  Giới thiệu tà áo dài Thành phố Hồ Chí Minh giữa lòng Hà Nội. Ảnh: Thế Dương.
 

Các di tích lịch sử, văn hóa tại thành phố tập trung vào các loại hình - khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và lịch sử.

Trong đó nhiều công trình kiến trúc phục vụ hoạt động văn hóa của cộng đồng như các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, các công trình phục vụ đời sống người dân như: Bưu điện thành phố, nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm… nổi bật là các di tích: Hội trường Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi, Khu căn cứ Rừng Sác, Mười tám thôn vườn trầu, Bến Nhà Rồng… Ngoài ra, thành phố còn có gần 1.000 ngôi chùa và nhiều ngôi chùa cổ với bề dày  lịch sử hơn 100 năm như chùa Linh Sơn cổ tự, Sắc tứ trường thọ…

Cùng các di sản văn hóa vật thể, Thành phố có khoảng 32 dân tộc anh em đang sinh sống và làm việc tạo nên sự phong phú văn hóa cộng đồng các tộc người, phản ánh quá trình di dân, quần cư ở vùng đất này,  đã hình thành nên nhiều loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đa dạng, phong phú. 

Nổi bật là nghệ thuật sân khấu Cải lương, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, nghệ thuật Hát bội và Múa bóng rỗi và các loại hình nghệ thuật dân gian của các dân tộc thiểu số; trong đó nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Góp vào sức hút của bức tranh du lịch Việt Nam, đất nước hình chữ S còn có trên 40.000 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; trong đó có 8 di tích được UNESCO ghi vào Danh mục di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, hơn 10.000 di tích đã được xếp hạng (119 di tích quốc gia đặc biệt, 3.551 di tích quốc gia, 6.340 di tích cấp tỉnh);  64.000 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 14 di sản văn hóa phi vật thể đã được  UNESCO ghi danh, 396 di sản văn hóa phi vật thể đã  ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 7 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức thế giới ghi danh (3 di sản tư liệu thế giới, 4 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương). 

Cùng đó là hệ thống gần 8.000 lễ hội cổ truyền gắn với nhiều phong tục, tập quán, nghệ thuật trình diễn, làng nghề thủ công, nền văn hóa ẩm thực hấp dẫn...
Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam hiện có khoảng 33.330 cơ sở lưu trú du lịch với 667.000 buồng, trong đó có 215 khách sạn 5 sao với 72.000 buồng, 334 khách sạn 4 sao với 45.000 buồng. 

Năm 1990, ngành Du lịch Việt đã đón và phục vụ 250.000 lượt khách du lịch quốc tế, đến năm 2019 đã đón 18 triệu lượt khách, tăng gấp 72 lần trong 29 năm. Khách du lịch nội địa tăng mạnh từ 1 triệu lượt năm 1990 đến 2019 đạt 85 triệu lượt và tiếp tục đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm năm 2023 tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 5,6 triệu lượt người. Tổng số khách du lịch nội địa khoảng 64 triệu lượt. 

Những kết quả đó đã cho thấy phần nào sự khởi sắc của bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam, trong đó có sự đóng góp đáng kể của ngành Du lịch, tất cả đang cùng tổng hòa tạo nên sức hút Việt Nam với bạn bè quốc tế./.

 Việt Nam đất nước của những sắc mầu văn hóa. Ảnh: Thế Dương.
 
 
 
 
 
N.Dương (Đồ họa có sử dụng một số tư liệu đồng nghiệp)
27/07/2023 15:15
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN