Việt Nam – một điểm sáng đáng chú ý và đáng tự hào
(ĐCSVN) – Ngày 14/4, tờ The Economic Times của Ấn Độ có bài viết dưới tựa đề “Thủ tướng mới của Việt Nam thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ”. Bài viết thể hiện rõ sự kỳ vọng rằng, dưới sự dẫn dắt của ban lãnh đạo mới, Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu phát triển trong tương lai.
Bài viết trên tờ Economic Times. (Ảnh chụp màn hình) |
Việt Nam mở rộng vai trò trong các vấn đề toàn cầu
Tác giả bài báo tin tưởng, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, một người cam kết tiếp tục tiến trình cải cách sẽ không những tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cải cách kinh tế đất nước mà còn mở rộng vai trò của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu. Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập và tự chủ của đất nước; coi trọng và tăng cường hơn nữa mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP) với Ấn Độ. Năm 2021, kỷ niệm 5 năm ngày thiết lập CSP giữa Việt Nam và Ấn Độ. Năm 2022, hai nước sẽ kỷ niệm tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ đã gửi thông điệp chúc mừng tới Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam.
Tác giả bài báo dẫn lại lời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trong cuộc hội đàm trực tuyến giữa Thủ tướng hai nước hồi tháng 12/2020. Nhân sự kiện này, ông Modi khẳng định Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong Chính sách Hành động hướng Đông và là đối tác sống còn trong Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ. Trong cuộc họp năm ngoái, lãnh đạo hai nước đã ký 7 hiệp ước trong nhiều lĩnh vực, từ quốc phòng tới năng lượng; công bố Tầm nhìn chung về Hòa bình và Thịnh vượng, trong đó tập trung vào việc đóng góp cho sự ổn định tại Biển Đông. Việt Nam và Ấn Độ cũng thông qua tầm nhìn chung và kế hoạch hành động hợp tác song phương trong giai đoạn 2021 - 2023.
Hiện Ấn Độ không chỉ có nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực dành cho Việt Nam, bao gồm trong khuôn khổ Dự án tác động nhanh (QIPs), các dự án về quản lý tài nguyên nước ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… Ấn Độ còn đang hỗ trợ Việt Nam trong nhiều dự án phát triển và hợp tác, trong đó có việc triển khai gói tín dụng quốc phòng trị giá 100 triệu USD của Ấn Độ dành cho Việt Nam.
Theo tác giả bài viết, mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã được nâng lên tầm đối tác chiến lược sau chuyến thăm của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ vào tháng 7/2007. Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi tới Việt Nam vào năm 2016 tiếp tục đưa mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.
Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Trong khi Việt Nam xếp thứ 4 trong danh sách các đối tác thương mại trong ASEAN của Ấn Độ. Vốn đầu tư trực tiếp của Ấn Độ vào Việt Nam hiện là 1,7 tỷ USD với 255 dự án còn hiệu lực. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư chính bao gồm: năng lượng, thăm dò khoáng sản, chế biến nông sản, sản xuất đường, chè, cà phê giữa hai nước bao gồm: năng lượng, khai thác khoáng sản, chế biến nông sản, các sản phẩm nông hóa học, công nghệ thông tin và linh kiện ô tô.
Sự phát triển vượt bậc của Việt Nam - một nhân tố đóng góp cho thịnh vượng toàn cầu
Tác giả bài báo nhận định, ban lãnh đạo mới được bầu của Việt Nam bắt đầu công việc tiếp theo sau thành công của Đại hội lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam và những thành tựu trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 trong năm qua. Với các biện pháp chống dịch chặt chẽ, Việt Nam đã kiềm chế thành công sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh doanh và sản xuất. Những nỗ lực trên đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia có tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020.
Tác giả bài báo trích dẫn lời của chuyên gia về Đông Á và Đông Nam Á của Ấn Độ Rajaram Panda cho biết: “Khi virus SARS-CoV-2 bùng phát và quét qua toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít quốc gia thực hiện các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm hiệu quả trên quy mô quốc gia để đưa virus vào tầm kiểm soát. Cùng với Hy Lạp, Slovenia, Jordan và Iceland, Việt Nam chính thức được công nhận về cả hai phương diện ngăn chặn việc gia tăng các ca lây nhiễm và điều trị thành công các ca nặng”.
Chuyên gia Panda cũng đề cập tới sự kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tái bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư. Đại hội cũng đã thông qua chiến lược kinh tế, trong đó nêu bật sự chuyển dịch theo hướng phát triển công nghệ cao nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển toàn diện đất nước vào năm 2045.
Bài viết dẫn lời Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma ghi nhận sự phát triển vượt bậc của Việt Nam đã trở thành một nhân tố đóng góp cho thịnh vượng toàn cầu. Trong đó, Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ những cơ hội và thách thức mà Việt Nam phải đối mặt, để từ đó, đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 đến 10 năm tới.
Lạc quan vào tương lai của Việt Nam
Theo đánh giá của tác giả bài viết, Đại hội XIII đã thành công tốt đẹp. Giờ là thời điểm các nhà lãnh đạo mới thể hiện vai trò trong điều hành kinh tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong những năm tới. Dựa vào những kinh nghiệm trong quá khứ, dư luận có thể lạc quan về tương lai của Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đột phá chiến lược, đưa ra nhiều giải pháp để vượt qua thách thức, trong đó có đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm cho gần 8 triệu lao động và đặt con người vào vị trí trung tâm của sự nghiệp đổi mới.
Về kinh tế, tác giả bài viết khẳng định, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển toàn diện trong nhiều lĩnh vực và tạo được nhiều đột phá trong giai đoạn 2016 - 2021. Những thành tựu đó là kết quả của sự lãnh đạo, điều hành sát sao của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp. Theo đánh giá của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam đã viết nên một “câu chuyện huyền thoại” về giảm nghèo, với chỉ số phát triển con người (HDI) đạt mức 0,63 trong năm 2019, đứng thứ 118 trong tổng số 189 nước xếp hạng cao nhất về tốc độ tăng trưởng HDI.
Cũng trong năm 2019, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xếp Việt Nam đứng thứ 8 trong danh sách các nền kinh tế hấp dẫn đầu tư nhất, tăng 15 bậc so với năm trước đó. Báo cáo phát triển bền vững của Liên hợp quốc 2020 ghi nhận Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á hoàn thành 5 mục tiêu hành động của Liên hợp quốc. Năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị đại dịch COVID-19 làm chao đảo, Việt Nam đã nổi lên như một “điểm sáng” đáng chú ý và đáng tự hào./.