Việt Nam – Mông Cổ có dư địa, tiềm năng phát triển trên nhiều lĩnh vực
(ĐCSVN) – Việt Nam và Mông Cổ có dư địa phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại. Để khai thác tiềm năng và đưa quan hệ Việt Nam – Mông Cổ không ngừng phát triển, hai bên cần tăng cường phối hợp thúc đẩy hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao và các cấp giữa trung ương và địa phương hai nước với nhiều hình thức linh hoạt.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Doãn Khánh Tâm về quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Mông Cổ.
Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Doãn Khánh Tâm (Ảnh: Thu Trang) |
Phóng viên: Có thể nhận thấy, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Mông Cổ phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Vậy Đại sứ có thể điểm lại một số thành tựu nổi bật của mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua?
Đại sứ Doãn Khánh Tâm: Đúng như câu hỏi mà nhà báo vừa nêu, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Mông Cổ ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, trong năm 2022, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Mông Cổ là lĩnh vực đạt được những kết quả khả quan, đáng ghi nhận.
Mông Cổ là một trong những nước sớm mở cửa trở lại nền kinh tế và thích ứng với “tình trạng bình thường mới”. Ngay sau khi chính phủ Mông Cổ tuyên bố dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 15/2/2022 (sớm hơn Việt Nam 1 tháng), Đại sứ quán đã tích cực, chủ động làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch của Mông Cổ để tăng cường giới thiệu, quảng bá tiềm năng thế mạnh của du lịch Việt Nam, lần đầu tiên hình ảnh du lịch Việt Nam xuất hiện trên pano, áp phích đường phố thủ đô Ulaanbaatar. Theo đó, Đại sứ quán đã thúc đẩy thành công Hãng hàng không AeroMongolia mở các chuyến bay thuê bao bay thẳng Ulaanbaatar – Hà Nội từ 24/3 tới nay, tần suất mỗi tuần 1 chuyến vào thứ Năm hằng tuần. Từ ngày 01/12/2022, Hãng AeroMongolia đã triển khai thêm chuyến bay thẳng từ Ulaanbaatar – Phú Quốc vào thứ Bảy hàng tuần. Dự kiến chuyến bay thương mại thường kỳ đầu tiên chặng Ulaanbaatar – Hà Nội sẽ được thực hiện trong một ngày gần đây. Xét theo các tiêu chí nhiệm vụ của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài thì đây là thành quả nổi bật nhất của Đại sứ quán trong công tác Ngoại giao Kinh tế trong năm. Việc thiết lập đường bay thương mại sẽ góp phần quan trọng vào việc đưa quan hệ hợp tác về du lịch, kinh tế, thương mại, giao lưu nhân văn giữa hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng đã nỗ lực làm việc với các cơ quan hữu quan của Mông Cổ để thúc đẩy thành công việc Chính phủ Mông Cổ sẽ sớm triển khai chính sách cấp e-visa cho du khách Việt Nam. Cụ thể, tại cuộc làm việc giữa tôi và Phó Thủ tướng Chính phủ Mông Cổ S.Amarsaikhan vào ngày 14/11/2022, Phó Thủ tướng S.Amarsaikhan cho biết, Chính phủ Mông Cổ đã đồng ý về việc áp dụng chính sách cấp e-visa cho du khách Việt Nam, hiện chỉ còn vấn đề kỹ thuật do Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Tư pháp và Nội vụ; Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Mông Cổ xử lý là có thể triển khai trên thực tế. Theo tôi, nếu chính sách này được thực thi sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước trong năm qua, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giao lưu giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Mông Cổ.
Một điểm nhấn cũng cần được nhắc đến trong công tác ngoại giao kinh tế của Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ trong năm qua. Đó là việc Đại sứ quán đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế - Phát triển, Phòng Thương mại và Công nghiệp Mông Cổ (MNCCI) tổ chức thành công “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Mông Cổ”, với sự tham gia của đại diện 200 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực của hai nước.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán đã chủ động kết nối cho 20 đoàn doanh nghiệp của hai nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tân dược, sinh phẩm và trang thiết bị y tế, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, đồ uống, gia dụng, găng tay, khẩu trang, lốp ô tô, đồ điện tử, tàu thuyền chuyên dụng du lịch sang thăm, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại, giao thương. Đặc biệt, hai văn phòng hợp tác vận tải đường sắt, đường hàng không của 3 nước Việt Nam – Trung Quốc – Mông Cổ đã được mở tại thủ đô Hà Nội và Ulaanbaatar (Mông Cổ), góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước trong những năm tới.
Đại sứ Doãn Khánh Tâm (thứ 5 từ phải qua) chụp ảnh kỷ niệm cùng đại diện doanh nghiệp hai nước tham gia “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Mông Cổ” (Ảnh: Thu Trang) |
Phóng viên: Mặc dù quan hệ Việt Nam – Mông Cổ đã đạt được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực song dư địa và tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất to lớn, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư. Vậy theo Đại sứ, hai nước cần phải làm gì để khai thác tiềm năng, lợi thế, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác song phương?
Đại sứ Doãn Khánh Tâm: Hai nước Việt Nam – Mông Cổ hiện đang cùng hướng tới các hoạt động kỷ niệm 70 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (17/11/1954 – 17/11/2024), dự kiến hai bên sẽ tăng cường phối hợp thúc đẩy hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao và các cấp giữa trung ương và địa phương hai nước với nhiều hình thức linh hoạt; chú trọng tăng cường quan hệ kênh đảng, nghị viện và thúc đẩy mạnh giao lưu nhân dân, nhất là trong hai năm 2023 và 2024.
Về mảng thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương, ở đây tôi xin nêu lại một số đề xuất của Thứ trưởng Bộ Công – Thương Trần Quốc Khánh đã nêu với Thứ trưởng Ngoại giao Mông Cổ B.Munkhjin tại Hà Nội ngày 23/9/2022. Thứ nhất là tận dụng tối đa các cơ chế hợp tác song phương hiện có như cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Mông Cổ, Bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Mông Cổ (ký lần đầu 2008, ký lại tháng 8/2021). Thứ hai là thiết lập cơ chế hợp tác cung ứng các loại nông sản, thực phẩm và nguyên liệu thiết yếu như Bản ghi nhớ về thương mại gạo, thương mại than và các loại khoáng sản. Thứ ba là tăng cường hợp tác triển khai các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp hai nước như trao đổi đoàn doanh nghiệp, tổ chức hội thảo giao thương trực tiếp và trực tuyến…
Tuy nhiên, để tất cả những kiến nghị nêu trên phát huy hết tác dụng thì vấn đề then chốt cần phải xử lý là giao thông vận tải, logistics. Từ trước đến nay, hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Mông Cổ chủ yếu được thực hiện dựa trên tuyến đường sắt qua Trung Quốc với khối lượng vận chuyển bị hạn chế. Hiện nay, theo đề xuất của các doanh nghiệp, các cơ quan Bộ, ngành của hai nước đang nghiên cứu, xem xét ký lại Hiệp định vận tải hàng không và tạo thuận lợi thúc đẩy mở rộng vận chuyển thông qua tuyến đường sắt.
Phóng viên: Trong năm qua đã có một số đoàn của Việt Nam sang thăm, tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, xúc tiến thương mại tại Mông Cổ. Các chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác giữa nhân dân hai nước, thưa Đại sứ?
Đại sứ Doãn Khánh Tâm: Với phương châm lấy du lịch làm xuất phát điểm để thúc đẩy quan hệ hợp tác mọi mặt giữa Việt Nam và Mông Cổ. Bên cạnh những thành quả bước đầu trong lĩnh vực hợp tác du lịch trong năm 2022 như đã nêu ở trên, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ đã thúc đẩy được nhiều chuyến giao lưu, khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác, cơ hội giao thương giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Mông Cổ. Việc này trước hết đã giúp cho doanh nghiệp hai bên hiểu được thêm về tiềm năng, thế mạnh cũng như nhu cầu thị trường của nhau, từ đó hứa hẹn những cơ hội hợp tác, mang lại lợi ích thiết thực cho hai bên.
Điều cần nhấn mạnh ở đây là các nhu cầu, thế mạnh giữa hai bên mang tính bổ sung lẫn nhau rất cao. Ví dụ: Việt Nam có thế đáp ứng nhu cầu của phía Mông Cổ các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủy sản, vật liệu xây dựng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến… Trong khi đó, Mông Cổ lại có thế mạnh về các mặt hàng như than đá, đồng, kim loại, thịt gia súc (bò, dê, cừu), các loại thảo dược và đặc biệt là nguyên phụ liệu dệt may, da giầy... hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của phía Việt Nam. Ví dụ thêm về tiềm năng, tài nguyên du lịch, Việt Nam có bờ biển dài, núi rừng hùng vĩ, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp được vinh danh là di sản văn hóa và kỳ quan thế giới, gây cuốn hút với du khách Mông Cổ; còn Mông Cổ có thảo nguyên mênh mông bát ngát, đời sống văn hóa du mục đặc sắc, có sức hấp dẫn với du khách Việt Nam.
Phóng viên: Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ có kế hoạch tổ chức các hoạt động nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thưa Đại sứ?
Cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ chụp ảnh kỷ niệm với một số bà con Việt kiều tại buổi chiêu đãi nhân dịp Quốc khánh 2/9 (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Mông Cổ) |
Đại sứ Doãn Khánh Tâm: Hòa chung không khí đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới, tại Mông Cổ, cộng đồng người Việt Nam còn ít song vẫn có một số hoạt động ý nghĩa chào đón Năm mới. Về phía Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ dự kiến sẽ tổ chức một cuộc gặp mặt bà con nhân dịp năm mới nhằm kết nối, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam tại Mông Cổ.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ! Nhân dịp đầu Xuân năm mới, thay mặt Ban Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, xin chúc Đại sứ và toàn thể cán bộ nhân viên Đại sứ quán, bà con người Việt Nam tại Mông Cổ một năm mới sức khỏe, an khang, thịnh vượng!