Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Việt Nam là nước xử lý đại dịch COVID-19 tốt thứ 2 trên thế giới

Thứ Sáu, 29/01/2021 17:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 28/1, Viện Nghiên cứu Lowy của Australia đã xếp hạng New Zealand, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) nằm trong top 3 các nước và vùng lãnh thổ xử lý đại dịch COVID-19 hiệu quả nhất trên thế giới.

 Reuters đăng tải hình ảnh về công tác xét nghiệm COVID-19 cho người dân Hải Dương , ngày 28/1.

Trong đó, các nước còn lại thuộc top 10 trong bảng xếp hạng của Viện Lowy gồm: Thái Lan, CH Síp, Rwanda, Iceland, Australia, Latvia và Sri Lanka – vốn ghi nhận tổng số ít nhất ca bệnh và tử vong do COVID-19 tính theo đầu người.

Xếp hạng của viện Lowy được đưa ra dựa trên các số liệu nghiên cứu từ 98 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thời gian xếp hạng được tính trong vòng 36 tuần kể từ sau khi một nước hay vùng lãnh thổ đó ghi nhận ca nhiễm COVID-19 thứ 100 và sử dụng các dữ liệu sẵn có đến ngày 9/1/2021.

Các nhà nghiên cứu của Viện Lowy đã thu thập dữ liệu từ hàng loạt các quốc gia khác nhau trên thế giới để tạo ra tương tác mới, đánh giá một cách chính xác nhất phản ứng của các nước đối với dịch bệnh. Từ thông tin tổng hợp từ các phương tiện truyền thông nước ngoài, Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy đã công bố các số liệu về kết quả phòng chống dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới, dựa trên tổng số ca nhiễm được xác nhận, số ca nhiễm được xác nhận/1.000.000 dân, số ca tử vong được xác nhận do nhiễm COVID-19, số ca tử vong được xác nhận do nhiễm COVID-19/1.000.000 dân, tỷ lệ số ca nhiễm được xác nhận/số người được xét nghiệm và số người được xét nghiệm/1.000 dân để tính toán.

Bảng xếp hạng của Lowy cho thấy châu Á – Thái Bình Dương là khu vực thành công nhất trong ứng phó với đại dịch. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu lại tỏ ra “bị động” trước sự lây lan nhanh chóng của COVID-19. Theo bảng xếp hạng, tại một số các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp và các quốc gia có dân số lớn như Indonesia và Ấn Độ… lại có kết quả chống dịch bệnh tương đối thấp. Mỹ đứng ở vị trí thứ 94 - gần cuối bảng xếp hạng, trong khi Indonesia và Ấn Độ lần lượt đứng ở vị trí thứ 85 và 86. Anh – nước có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất tại châu Âu đứng thứ 66 trong bảng xếp hạng.

Cũng theo phân tích của viện nghiên cứu có trụ sở ở Sydney (Australia) thì mức độ phát triển kinh tế hoặc sự khác biệt trong hệ thống chính trị giữa các quốc gia ít tác động đến kết quả thu thập được. “Nhìn chung, các quốc gia có quy mô dân số nhỏ, xã hội gắn kết và các thể chế có năng lực lại có lợi thế so sánh trong việc đối phó với một cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch” – phân tích của Lowy cho biết.

Báo cáo của Lowy cũng lưu ý về sự quay trở lại của làn sóng dịch bệnh tại những nước vốn từng là điểm sáng về phòng chống COVID-19. Trong đó, Việt Nam cũng đã bắt đầu ghi nhận những ca nhiễm mới sau 55 ngày liên tiếp không có ca nhiễm trong cộng đồng, nhờ vào các biện pháp cách ly tập trung và kiềm chế dịch bệnh hiệu quả.

Thông tin trên được Viện nghiên cứu Lowy đưa ra trong bối cảnh thế giới đang bước sang năm thứ 2 liên tiếp phải đối mặt với COVID-19. Theo số liệu thống kê trên worldometers.info vào chiều 29/1, thế giới ghi nhận 102.095.589 ca nhiễm và 2.202.206 ca tử vong vì dịch bệnh./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN