Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Việt Nam là hình mẫu cho các nước đang phát triển về phòng, chống COVID-19

Thứ Năm, 02/07/2020 11:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trang web của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa có bài viết phân tích thành công của Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19, cho rằng Việt Nam có thể mang lại bài học cho các nước đang phát triển.

Bài viết của IMF cho rằng thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã trở thành bài học cho các nước đang phát triển khác. (Ảnh chụp màn hình) 

Mở đầu bài viết, IMF dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Có bão giông mới sáng danh tùng bách" để ca ngợi sức mạnh và sự ổn định của Việt Nam trong ứng phó với cơn bão COVID-19. Các chuyên gia của tổ chức này cho rằng, Việt Nam đã trở thành một ví dụ điển hình và là bài học cho các nước đang phát triển trong việc chống lại đại dịch.

IMF cho rằng, ngay từ đầu, Việt Nam đã bước vào cuộc chiến chống COVID-19 trong một tình thế vô cùng khó khăn do cùng chia sẻ đường biên giới dài và giao thương rộng lớn với Trung Quốc. Không những thế, Việt Nam còn có nhiều khu vực đô thị tập trung đông dân cư, với cơ sở hạ tầng y tế còn hạn chế. Tuy nhiên, chiến lược ngăn chặn hiệu quả của Việt Nam đã khiến số ca nhiễm COVID-19 dừng lại ở hơn 300 trường hợp và chưa có trường hợp tử vong trong dân số gần 100 triệu người. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên gỡ bỏ hầu như tất cả các biện pháp kiềm chế dịch bệnh trong nước.

Theo đánh giá của IMF, thành công của Việt Nam là kết quả của kinh nghiệm trong ứng phó với các đại dịch trước đó, như đại dịch SARS xảy ra năm 2003. Ngay từ đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định đặt ưu tiên về sức khỏe người dân lên trên những quan ngại kinh tế. Cuộc chiến chống dịch nhanh chóng nhận được sự phối hợp của quân đội, công an và các tổ chức địa phương. Việc tuyên truyền hiệu quả và minh bạch cũng nhận được sự ủng hộ từ người dân và điều này có thể trở thành bài học cho các nước đang phát triển.

Nhanh chóng thực hiện các biện pháp ngăn chặn

Ngay sau khi Trung Quốc chính thức báo cáo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về một số ca viêm phổi bất thường vào ngày 31/12/2019, Việt Nam đã hoàn thành đánh giá rủi ro y tế. Đến ngày 21/1, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về phòng chống dịch bệnh. Sau đó không lâu, Việt Nam đã đưa ra Kế hoạch ứng phó quốc gia và thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19. IMF cho rằng, đây là công đoạn quan trọng để phối hợp hành động và liên kết thông tin giữa các đơn vị liên quan ở chính quyền các cấp.

Những biện pháp khống chế nghiêm ngặt đã dần được triển khai, gồm việc kiểm tra sức khỏe ở sân bay, thực hiện giãn cách xã hội, ngừng tiếp nhận du khách nước ngoài, cách ly bắt buộc trong thời gian 14 ngày đối với những người nhập cảnh, đóng cửa trường học, hủy bỏ các sự kiện tập trung đông người. Việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng cũng được thực hiện một cách nghiêm túc ngay từ trước khi WHO đưa ra khuyến cáo chính thức, cùng với đó là một số biện pháp như rửa tay nơi công cộng, trụ sở làm việc và những khu dân cư. Các dịch vụ không thiết yếu được yêu cầu đóng cửa trên phạm vi toàn quốc, việc giới hạn đi lại cũng được thực hiện nghiêm túc tại hầu hết các địa phương và kéo dài trong vòng 3 tuần, từ đầu tháng 4/2020.

Kiểm soát quyết đoán, sử dụng hiệu quả chi phí chống dịch 

Phố Trúc Bạch nhanh chóng bị phong toả sau khi phát hiện trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: Minh Chiến) 

Trong khi những nước phát triển tiến hành xét nghiệm hàng loạt trên diện rộng với chi phí đầu tư cao hơn thì Việt Nam lại tập trung vào những ca nghi nhiễm và có nguy cơ cao. Số liệu của IMF cho thấy, Việt Nam chỉ thực hiện 350.000 xét nghiệm, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng dân số. Tuy nhiên, Việt Nam lại dẫn đầu thế giới với tỷ lệ 1.000 xét nghiệm thực hiện trên mỗi ca dương tính với COVID-19.

Song song với đó, Việt Nam thực hiện truy tìm đầu mối tiếp xúc, cô lập, cách ly đến tận F3. Những người sinh sống gần người người nhiễm COVID-19, thậm chí là cả một ngôi làng hay một khu phố đều bị cách ly, xét nghiệm để hạn chế lây lan trong cộng đồng. Người dân Việt Nam được hưởng miễn phí dịch vụ điều trị hay cách ly tại bệnh viện.

Những biện pháp kiềm chế từ sớm và tận dụng những doanh trại quân đội hay những cơ sở hạ tầng công cộng vào cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam đã tỏ ra hiệu quả về chi phí. Chính phủ ước tính ngân sách chống dịch chỉ tiêu tốn khoảng 0,2% GDP, trong đó 60% nguồn chi là để mua sắm vật tư cần thiết và phần còn lại được đầu tư cho việc kiềm chế dịch bệnh.

Sự chung tay của toàn xã hội

Bộ tem ''Chung tay phòng, chống dịch COVID-19''  (Ảnh: Bộ TT&TT )

IMF cho rằng, sự đồng lòng của nhân dân chính là yếu tố then chốt mang lại thành công cho cuộc chiến chống COVID-19. Ngay từ ban đầu, việc tuyên truyền về virus SARS-CoV-2 và chiến lược ứng phó với dịch bệnh đã được thực hiện minh bạch. Chi tiết về các triệu chứng, các biện pháp phòng bệnh và các địa điểm xét nghiệm đều được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các trang web của chính phủ, tổ chức các cấp, áp-phích tại các bệnh viện, công sở, các khu dân cư, các khu chợ. Những nội dung trên còn được phát đi bằng hình thức tin nhắn gửi tới điện thoại của người dân và lời khuyến nghị trước khi mỗi người thực hiện các cuộc điện thoại.

Theo IMF, Việt Nam được cho là đã công bố một ứng dụng truy vết người nghi nhiễm ở các thành phố lớn. Và một chiến dịch truyền thông đa phương tiện nhịp nhàng đã củng cố niềm tin từ phía nhân dân, khiến xã hội nghiêm chỉnh chấp hành những biện pháp phòng ngừa và khống chế dịch bệnh.

Triển vọng phục hồi sau đại dịch

Các diễn giả tham gia hội thảo "Một số lưu ý cho doanh nghiệp khi khôi phục hoạt động sau dịch COVID-19” tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18/6/2020. Ảnh: ĐD 
IMF nhận định, dù cho tới nay, Việt Nam đã thành công trong việc hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19, song những tác động về kinh tế là điều khó tránh khỏi. Nhu cầu nội địa và nước ngoài suy yếu dự báo sẽ khiến tăng trưởng sụt giảm đáng kể, từ mức 7% trong những năm gần đây xuống mức 2,7% trong năm 2020.

Tuy nhiên, IMF cho rằng, những tác động kinh tế mà Việt Nam gặp phải sẽ ít nghiêm trọng hơn so với hầu hết các nước trong khu vực. Triển vọng tăng trưởng kinh tế vẫn khả quan khi các biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ, hoạt động của các doanh nghiệp được khôi phục và người dân sử dụng lại dịch vụ tại các nhà hàng, cửa hiệu.

Bên cạnh đó là những tín hiệu về sự phục hồi trong nước, với doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp được gia tăng trở lại so với những chỉ số thấp trong thời gian cách ly xã hội.

Tuy nhiên, IMF cho rằng, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững và mạnh mẽ cho Việt Nam cũng cần đến sự hồi phục từ các đối tác thương mại./.

Thu Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN