Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển AI
(ĐCSVN) – Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, sau 2 năm triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển AI.
Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+ |
Chia sẻ về việc triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy cho biết: Trong thời gian qua, xã hội cũng đã bắt đầu quan tâm đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cùng với đó là các vấn đề liên quan đến pháp lý và đạo đức AI, làm sao để sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm.
Vấn đề đạo đức và pháp lý cho ứng dụng AI thậm chí còn quan trọng hơn việc nghiên cứu, phát triển AI. Các sản phẩm AI hiện đã có rất nhiều, tuy nhiên hành lang pháp lý chung trên toàn thế giới đều đang bị chậm hơn do sự phát triển theo chiều thẳng đứng của công nghệ.
Thứ trưởng cũng cho biết, hiện nay Việt Nam đã có một số sản phẩm như hệ thống sản phẩm trợ lý ảo khá toàn diện. Nhóm thứ 2 là sản phẩm xử lý ảnh, camera nhận dạng ô tô, biển số xe, người, điểm danh. Nhóm thứ 3 là các sản phẩm trong lĩnh vực ngân hàng tài chính, tự động gợi ý sản phẩm cho khách hàng. AI cũng đang được nghiên cứu ứng dụng trong y học, chẩn đoán sớm tại Việt Nam. Nhóm cuối cùng là xe tự hành.
Đáng chú ý, thời gian qua cùng với các sự kiện liên tục được tổ chức, sự quan tâm của xã hội đối với trí tuệ nhân tạo đã có thay đổi rất lớn. Các ngành học về AI được quan tâm hơn cả từ phía phụ huynh, học sinh và nhà trường, điểm đầu vào khi tuyển sinh những ngành này cũng tăng vọt.
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo ngắn hạn của các doanh nghiệp mở ra liên tục. Một số doanh nghiệp lớn thậm chí còn phối hợp với địa phương để mở khuôn viên riêng đào tạo tập trung về AI.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển AI. Tuy nhiên thực tiễn số lượng chuyên gia trong lĩnh vực AI tại Việt Nam không nhiều. “Chúng ta không có hạ tầng siêu tính toán như ở các quốc gia, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu khoảng thứ 40. Vì vậy, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam chắc chắn là khoảng cách rất xa với các nước đi đầu và xu thế còn tăng tiếp. “Vì vậy, chúng ta không quá tham vọng phát triển các sản phẩm hàng đầu thế giới, chỉ đi vào các sản phẩm ngách phục vụ thị trường Việt Nam”, Thứ trưởng cho biết.
Chia sẻ về chiến lược phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng cho rằng, vấn đề cần làm đầu tiên là nâng cao nhận thức. Với tiềm năng nhân lực lớn nhưng khởi điểm thấp, nhiều bộ, ngành tại Việt Nam đã và đang tập trung cho khâu đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực về công nghệ AI.
Trong năm nay, Bộ KH&CN sẽ đề nghị các bộ, ngành tập trung quan tâm đến một kỹ năng khác là làm sao để ứng phó với trí tuệ nhân tạo Song hành cùng chiến lược quốc gia về phát triển AI, Bộ KH&CN còn quan tâm đến chiến lược xây dựng cơ sở dữ liệu và bồi dưỡng nhân tài để từ đó hình thành nên các startup./.