Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững
(ĐCSVN|) - Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI tiếp tục hướng tới việc phát triển sâu rộng ngành Việt Nam học trên toàn cầu, là diễn đàn để các nhà khoa học trong nước và nước ngoài kế thừa các nghiên cứu trước đó về Việt Nam học, đồng thời làm rõ hơn các vấn đề đương đại của Việt Nam trong thế kỷ XXI.
Ngày 28/10, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI với chủ đề: "Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững", được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo.
Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo các học giả, nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: VA) |
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ VI là sự kiện sinh hoạt khoa học quan trọng bậc nhất của giới nghiên cứu Việt Nam học trên toàn thế giới, là một diễn đàn khoa học hội tụ những thành quả nghiên cứu giá trị hàng đầu về đất nước và con người Việt Nam. Trải qua 5 kỳ hội thảo được tổ chức thành công, mặc dù diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng và làm biến đổi toàn diện đời sống kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới, hội thảo lần này vẫn thu hút được sự quan tâm sâu sắc, rộng rãi của các học giả quốc tế và trong nước. Điều này là một minh chứng thuyết phục về vị thế ngày càng lớn mạnh của Việt Nam trên thế giới cũng như tác động ngày càng mạnh mẽ và tích cực của ngành Việt Nam học vào quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Theo PGS.TS Bùi Nhật Quang, hội thảo lần này là cơ hội để giới thiệu với bạn bè quốc tế về kho tàng văn hiến Việt Nam cũng như những thành quả phát triển của Việt Nam ngày nay. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học Việt Nam nhìn lại đất nước mình, dân tộc mình, tìm ra những quy luật vận động, bài học lịch sử và động lực phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Sứ mệnh của các nhà khoa học Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, chú giải lịch sử hào hùng của dân tộc trải dài suốt hàng nghìn năm, mà không kém phần quan trọng, còn phải xuất phát từ chính thực tiễn của đất nước, tìm ra lời giải để khai phóng sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, hướng đến một tương lai tươi sáng của đất nước, thực hiện khát vọng phát triển phồn vinh, sánh vai cùng bạn bè năm châu.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ cảm ơn các nhà khoa học đã dành tình cảm tốt đẹp cho Việt Nam, đã có những cống hiến khoa học rất quan trọng, ý nghĩa trong nghiên cứu về Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: VA) |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, Hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến kinh tế, chính trị, xã hội của toàn thế giới; đặt ra những thách thức to lớn đối với sự phát triển của các quốc gia. Thế giới hôm nay trở nên rất khác so với trước khi đại dịch xuất hiện. Vắc xin ngừa COVID-19 có thể được coi là vũ khí quan trọng để đẩy lùi đại dịch, nhưng ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát chúng ta cũng không thể quay trở lại như trước đây.
Tất cả các quốc gia, nền kinh tế đều phải chung tay vượt qua đại dịch và thích ứng với trạng thái bình thường mới. Thế giới hậu COVID đòi hỏi phải có những cách thức vận hành mới. Nền kinh tế toàn cầu sẽ phải được tái cơ cấu mạnh mẽ. Xu hướng đa cực sẽ tiếp tục trở nên sâu sắc hơn với yếu tố vắc xin và năng lực kiểm soát dịch bệnh. Bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin và các nguồn lực phòng, chống dịch sẽ làm gia tăng khoảng cách và cả nhận thức chung trong nhiều vấn đề quốc tế.
Đương nhiên cũng sẽ có những tác động theo chiều hướng tích cực như các thách thức về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu sẽ được cải thiện một phần nhờ sự xuất hiện những nhận thức, quan niệm mới về giá trị sống, về nền kinh tế xanh, về sự phát triển bền vững của thế giới hay tiến trình chuyển đổi số sẽ được thúc đẩy mạnh hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, đây là hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên được tổ chức sau Đại hội XIII của Đảng. Báo cáo chính trị tại Đại hội đã nhận định về sự vận động toàn cảnh của thế giới, trong đó nhấn mạnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tuy gặp nhiều trở ngại nhưng vẫn là xu hướng chủ đạo; phát triển bền vững tiếp tục là xu thế bao trùm. Đồng thời cũng khẳng định quan điểm phát triển nhanh và bền vững, dựa trên khoa học và công nghệ, hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội; chủ động tận dụng cơ hội phát triển trong bối cảnh thế giới hậu đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Việt Nam cũng tái khẳng định quan điểm lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực của phát triển; khơi dậy khát vọng phát triển quốc gia phồn vinh, hạnh phúc; phát huy vai trò là thành viên tích cực, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần kiến tạo, gìn giữ hòa bình, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều đang đối mặt với nhiều thách thức, nhiều vấn đề mới, cần được nhận thức đúng đắn và giải quyết kịp thời, hiệu quả. Giới khoa học nói chung và những người nghiên cứu Việt Nam học nói riêng đứng trước đòi hỏi tiếp tục đi sâu làm rõ các giá trị, các tiềm năng và phương cách để phát huy các giá trị, khơi dậy các tiềm năng, biến thành năng lực nội sinh để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tiếp tục làm rõ hơn, sâu sắc hơn nội dung của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như vị trí và vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như những cách tiếp cận phù hợp để đấu tranh hiệu quả với những hành vi phản văn hóa; những lệch lạc trong định hướng giá trị và hiện trạng suy đồi đạo đức. Bên cạnh văn hóa, Việt Nam học cũng cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, không gian mạng và các yếu tố an ninh phi truyền thống ngày càng hiện hữu, qua đó dự báo xu thế, đưa ra những cảnh báo về các vấn đề xã hội, các biện pháp khắc phục những bất cập, mâu thuẫn mới nảy sinh, đảm bảo thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy vai trò và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI. (Ảnh: VA) |
Cũng tại phiên khai mạc Hội thảo, GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: Việt Nam học với tư cách là một khoa học liên ngành, đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong khoảng 5 thập kỷ gần đây. Ngày nay, Việt Nam học đã trở thành lĩnh vực học thuật phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới. Riêng ở nước ngoài, hiện đã có hàng trăm cơ sở nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam tại các trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế. Có những cơ sở với bề dày trên một trăm năm, liên tục đào tạo nhiều thế hệ nhà Việt Nam học, cũng có những cơ sở vừa mới thành lập đi vào hoạt động. Chương trình đào tạo Việt Nam học thuộc các bậc từ cử nhân đến tiến sĩ đã được mở tại nhiều nơi, thu hút số lượng người học ngày càng đông đảo. Một số nước như Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Trung Quốc…
Theo GS.TS Lê Quân tại thời điểm này, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, không chỉ trong phạm vi quốc gia, mà còn là thách thức mang tính toàn cầu, như: tác động của biến đổi khí hậu; xử lý bài toán giữa tốc độ tăng trưởng và phát triển bền vững; giải quyết các vấn đề xung đột, khủng bố, đói nghèo, dân tộc, tôn giáo… Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động sâu rộng, toàn diện tới mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đất nước. Công cuộc chuyển đổi số quốc gia với ba trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đang từng bước làm thay đổi phương thức điều hành, tổ chức quản lý, cũng như hoạt động, văn hóa, ứng xử của mỗi cá nhân trong xã hội. Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được đợt bùng phát thứ tư của dịch bệnh COVID-19, nhưng diễn biến của dịch bệnh ở Việt Nam và trên thế giới còn hết sức phức tạp, khó lường. Giải pháp nào để vượt qua và giải quyết những hệ quả của thời kỳ hậu COVID, nhanh chóng phục hồi và phát triển đất nước là mối quan tâm không chỉ của riêng Việt Nam.
Việc có được những quyết sách phù hợp, dựa trên các luận cứ, luận chứng khoa học xác đáng, để tận dụng thời cơ và biến những thách thức trở thành lợi thế phát triển là vấn đề đang được đặt ra một cách cấp bách.
GS.TS Lê Quân khẳng định, với quan điểm coi khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững, một trong những đột phá chiến lược của quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, có thể khẳng định rằng sự phát triển của Việt Nam có phần đóng góp không thể thiếu của các nhà Việt Nam học trong nước và quốc tế. Các nhà khoa học đem trí tuệ, tình cảm, tâm huyết của mình đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam cũng chính là đóng góp cho sự thịnh vượng chung của khu vực và toàn nhân loại.
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI tổ chức thảo luận 10 chủ đề chính, đó là: Các vấn đề khu vực và quốc tế; Tư tưởng và Chính trị; Dân tộc và Tôn giáo; Giáo dục, đào tạo và phát triển Con người Việt Nam; Kinh tế, Công nghệ và Môi trường; Ngôn ngữ và Văn học; Nhà nước và Pháp luật; Lịch sử, Khảo cổ và Hán Nôm; Văn hóa; Xã hội.
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 730 tham luận của các học giả, chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó chọn được 400 bài tham luận để đưa vào kỷ yếu và 120 báo cáo toàn văn.
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI tổ chức trong 02 ngày 28 - 29/10/2021./.